Thật hãnh diện khi trở thành một ông chủ, bà chủ kinh doanh lúc còn là sinh viên. Trên môi trường thử nghiệm này, những người quản lý trẻ đang tập tành những kiến thức vừa học để áp dụng vào thực tế, ai cũng háo hức trông đợi kết quả.
Nhỏ ăn nhỏ, miễn có thu nhập
Làm chủ cửa hàng kinh doanh, ước mơ của nhiều bạn trẻ ngày nay. |
Ngôi nhà trọ cấp bốn trên đường Phạm Như Xương được các bạn thuê 600 ngàn đồng/tháng để vừa ở vừa trông coi tiệm photocopy. Thắng cho biết: “Trung bình mỗi tháng, trừ các khoản, cũng lời gần 1,5 triệu đồng. Đứa nào học thêm ngoại ngữ không còn phải lo xin tiền ba mẹ và nhất là từ nay hết cái cảnh gần cuối tháng là lo mượn tiền ăn cơm bụi nữa”.
Nằm ngay ngã ba của con hẻm phía sau Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng là một quán cháo lòng bình dân. 3 cậu sinh viên học năm thứ 3 khoa QTKD Trường ĐH Kinh tế thuê một mặt bằng chỉ 12 m2 để tập kinh doanh. Vốn ít, lại không có nhiều thời gian, sau nhiều ngày nghiên cứu, cả ba đã quyết định “bán cháo lòng có lỗ cũng không lo đói”.
Vậy là mỗi sáng, người đi chợ, lại vừa lo nấu, rồi thay phiên nhau bưng bê, thu tiền, rửa dọn bát đĩa… Đã hơn hai tháng, quán cháo mở ra, người dân khu vực An Thượng, phường Mỹ An (Ngũ Hành Sơn) đã không còn xa lạ với tấm biển “Cháo lòng sinh viên”. Nhiều người động viên: “Đây là cơ hội cho các cháu làm quen với việc kinh doanh sau này đấy. Lời lãi không đáng là bao, nhưng tự tạo ra thu nhập hằng tháng là tốt rồi”.
Chuyện sinh viên kinh doanh bây giờ không hiếm. Chỉ cần rảo quanh các khu nhà trọ hoặc gần các trường học thôi là thấy ngay các kiểu kinh doanh mang đậm chất của những người trẻ tuổi nhưng dám nghĩ dám làm. Từ hình thức bình dân như dịch vụ gửi xe, bơm xe, quán cơm cháo, bánh mì, đến sang hơn là cà-phê, quán kem, chè trân châu, shop lưu niệm, tiệm băng đĩa, cửa hàng quần áo thời trang…
Kinh doanh bảo đảm 3T
Bảo đảm 3 T là bảo đảm thời gian - trí tuệ - tiền bạc. Phần lớn khi bắt tay vào việc làm thêm, các sinh viên chỉ nghĩ đơn giản là có thêm thu nhập để chi tiêu. Tiếp đến là muốn áp dụng kiến thức đã học vào thực tế để xem có bổ trợ được gì không? Nhưng khi đã làm, nhiều sinh viên thừa nhận rằng thực tế đã không đồng hành với ý tưởng. Tất nhiên, khi kinh doanh, khó khăn nhất vẫn là vốn liếng, thời gian. Làm sao để vừa bảo đảm việc học, vừa có thể điều hành công việc duy trì lợi nhuận có thể.
Chưa kể đến bài học kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ. Nguyễn Văn Lợi, cựu sinh viên ĐH Kinh tế trước đây từng năn nỉ gia đình cho mượn số vốn gần chục triệu đồng để hùn với bạn mở một quán cà-phê tương đối “hot” gần trường, nhưng không may vì đường Ngũ Hành Sơn được mở rộng, tiền vốn chưa thu về đã phải dỡ quán. Thế là cả vốn lẫn công sức đều mất toi, việc học vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Gần tới kỳ thi học kỳ mà đầu óc Lợi chỉ nghĩ đến số tiền mượn của gia đình. Đến tận bây giờ, khi đã là trưởng phòng kinh doanh của một công ty điện lạnh, Lợi vẫn còn ái ngại khi nhắc tới việc kinh doanh thời sinh viên.
Kinh doanh khi còn đi học là một ý tưởng rất hay. Nó mang lại cho những sinh viên khoản thu nhập đáng kể, tạo được tính cách độc lập, đồng thời là bài học bổ trợ kiến thức từ giảng đường. Nhưng để duy trì việc kinh doanh không phải dễ, nhất là khởi sự chỉ có một mình. Thời gian học tập đã chiếm rất nhiều, do vậy, nếu phải căng thẳng lo âu với việc làm sao để buôn bán không bị lỗ, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập.
Chia sẻ với những người tập kinh doanh khi còn ngồi trên ghế giảng đường, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường Cao đẳng Kế hoạch kinh doanh cho rằng: “Với sinh viên, kinh doanh để học là chính nhưng cũng cần có một chiến lược cụ thể, những hoạch định hẳn hoi, chứ không hẳn là thực hiện theo một mô hình. Một điều nên nhớ, kinh doanh là môi trường thử thách ban đầu, các em không nên quá kỳ vọng vào tất cả để rồi một lần thất bại sẽ khiến các em nản chí và không muốn nghĩ đến nó nữa”.
Chương trình Khởi nghiệp 2009 tại Đà Nẵng mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng dưới sự bảo trợ, phối hợp triển khai của Bộ Ngoại giao và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. |
Bài và ảnh: Duyên Anh