.

“Né” hàng Trung Quốc

.

Sau khi có thông tin về một số sản phẩm hàng hóa như: quần áo, giày dép, đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) có chứa  formaldehyde vượt chuẩn, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, ở thời điểm này, dường như việc kinh doanh các mặt hàng TQ trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu chững lại, và người tiêu dùng cũng thận trọng hơn khi lựa chọn mua hàng.

E dè mua hàng TQ
 

Khách hàng thận trọng hơn khi mua quần áo.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở thời điểm này, hầu hết các điểm kinh doanh quần áo có nhãn hiệu “made in China” trên địa bàn thành phố đều vắng khách. Chị Lan, chủ hàng kinh doanh quần áo tại khu vực chợ Bắc Mỹ An nói: Khi nghe tin quần áo trẻ em được sản xuất tại Quảng Đông (TQ) có chứa chất nhiễm độc nên các cửa hàng ở đây không dám nhập hàng TQ về bán nữa, thay vào đó các chủ hàng đã nhập hàng Việt Nam, Thái Lan... về bán. “Từ khi có thông tin về hàng TQ, hầu hết người tiêu dùng khi mua hàng đều để ý đến nhãn mác nhiều hơn. Nhiều khách hàng nếu thấy cửa hàng có bán quần áo dán nhãn “made in China”, họ liền quay sang quầy khác liền”, chị Lan cho hay.

Tiếp xúc với các chủ hàng kinh doanh quần áo tại các chợ trên địa bàn thành phố, hầu hết các hộ kinh doanh đều cho rằng: Trong thời điểm này, chẳng có cửa hàng nào dám nhập hàng quần áo TQ về bán, mà có nhập về cũng chẳng có khách đến mua. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, để bán được hàng có xuất xứ từ TQ,  một số cửa hàng đã đối phó bằng cách gỡ nhãn mác “made in China” rồi gắn nhãn mới “made in Thailand, “made in Vietnam” vào sản phẩm.

Để ngăn chặn hàng hóa TQ vi phạm được bày bán trên thị trường, vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố đã tiến hành kiểm tra 85 cơ sở kinh doanh các sản phẩm may mặc và hàng tiêu dùng do nước ngoài sản xuất, qua đó đã phát hiện 8 cơ sở bán hàng có xuất xứ từ TQ vi phạm các quy định về nhãn mác. Theo bà Trần Bích Tiên, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Chi cục QLTT thành phố cho biết, mặc dù việc kiểm tra được cơ quan chức năng tiến hành bất ngờ tại hầu hất các cửa khẩu, sân bay, trên tuyến biển và tại thị trường nội địa, tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng TQ đã thay nhãn “made in Vietnam” vào các mặt hàng có nguồn gốc từ TQ để đối phó với cơ quan chức năng nên việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. 

Cơ hội cho hàng nội

Nếu trước đây, người tiêu dùng ưa chuộng hàng thời trang cao cấp của TQ vì giá rẻ và mẫu mã đẹp, tuy chất lượng sản phẩm không cao nhưng bây giờ thì ngược lại, hàng Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng để ý nhiều hơn. Ở thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh quần áo như Việt Tiến, Vinatex, Dệt may Hòa  Thọ..., lượng khách đến mua hàng tăng hơn hẳn so với thời điểm trước khi có thông tin về hàng hóa TQ.

Các sản phẩm may mặc như áo sơmi nam, quần áo trẻ em… của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cũng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Một DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc nhận định, sở dĩ hàng hóa có xuất xứ từ TQ có giá thành rẻ là không loại trừ khi các mặt hàng này được “tuồn” vào Việt Nam là hàng trốn thuế. Vì vậy, nếu các ngành chức năng không kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung các DN sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh với hàng TQ, hơn nữa Nhà nước cũng bị thất thu thuế đối với các mặt hàng TQ nhập lậu.

Việc rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra thận trọng hơn khi tìm mua các sản phẩm may mặc của TQ cho thấy đây là xu hướng tất yếu, vì người tiêu dùng đã ngày một khắt khe hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm có chất lượng từ các DN có thương hiệu uy tín. Và đây chính là cơ hội để các DN sản xuất trong nước chiếm lĩnh lại thị trường nội địa khi tâm lý người tiêu dùng đang e dè với hàng TQ. 

Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, Bộ Công thương đã có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước mở đợt kiểm tra cao điểm trong tháng 6-2009 và tiếp tục đến hết năm 2009 đối với sản phẩm may mặc và hàng tiêu dùng ngoại, đặc biệt là mặt hàng quần áo, đồ chơi và đồ dùng dành cho trẻ em, sản xuất tại Quảng Đông, TQ hoặc có nguồn gốc không rõ ràng để ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng kém chất lượng, chứa formaldehyde vượt chuẩn.

Theo đó, diện kiểm tra gồm hàng nhập chính ngạch, tiểu ngạch, hàng vào theo chế độ cư dân biên giới, nhập lậu và tiêu thụ những mặt hàng không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn chất lượng sản phẩm.


Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.