Sau khi làng nghề truyền thống được phục hồi, từ 4 năm nay, nước mắm Nam Ô gầy dựng lại được danh tiếng, được nhiều người biết đến. Song, ngoài việc tham gia các hội chợ, sản phẩm này vẫn chưa được tung ra các chợ lớn, mà chủ yếu bán cho các mối hàng quen.
Chủ yếu bán cho mối quen
Tại chợ Cồn, các quầy hàng bày bán rất nhiều loại nước mắm của nhiều nhãn hiệu khác nhau, nhưng không hề có nước mắm Nam Ô. |
Trong khi đó, các chủ hộ làm nước mắm Nam Ô lại tỏ ra khá thụ động trong việc phân phối hàng hóa: “Thường chúng tôi bán cho mối quen. Người ta biết mình qua mấy lần hội chợ, nên cần thì điện tới nhà. Tôi đóng gói, chở đến nơi”, một chủ hộ nói. Bà Mai Thị Chước (chủ hộ nước mắm Thanh Phú, tổ 41, Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) cũng cho hay, những người ở Hà Nội, Quảng Nam thích ăn nước mắm Nam Ô đều nhờ người quen ở Đà Nẵng mua giúp.
Vài hộ cũng có sáng kiến đặt quầy hàng ngay trên quốc lộ 1A (đoạn cách cầu Nam Ô khoảng 700m về phía Nam) để trưng bày sản phẩm và bán cho khách vãng lai, khách du lịch đi ngang tuyến đường này, còn việc chào bán sản phẩm ở các chợ lớn, theo họ, là không cần thiết và mất công đi lại. Vì lẽ đó, người tiêu dùng nếu có nhu cầu mua 1-2 chai, lại không biết số điện thoại của các hộ làm nước mắm thì không biết phải mua ở đâu.
Thật-giả lẫn lộn
Cùng mang nhãn hiệu nước mắm Nam Ô, mà trên thị trường lại có tới 3 loại: loại thứ nhất là nước mắm được các hộ thực sự tâm huyết với làng nghề truyền thống chưng cất kỹ càng từ một loại cá cơm than tươi ngon; loại thứ hai cũng từ Nam Ô, nhưng do bà con muối từ các loại cá tạp; loại thứ ba do một công ty sản xuất nhưng vẫn dán “mác” Nam Ô.
Trong tất cả, loại thứ nhất mới thực là nước mắm Nam Ô truyền thống trứ danh từ hơn trăm năm nay. Một cán bộ (đề nghị không nêu tên) của Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cho biết, hiện có 95 hộ đăng ký vào Hội, nhưng trên thực tế, số hộ chuyên tâm làm mắm với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thời gian, cá, muối, lọc... chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Loại mắm chỉ được muối trong thời gian dưới 10 tháng không phải là sản phẩm mắm Nam Ô chính hiệu.
Nhưng nhiều người lợi dụng danh tiếng làng nghề để bán mắm loại 2, loại 3”, vị cán bộ trên nói. Không chỉ vậy, do thấy trùng nhãn hiệu, nhiều người tiêu dùng lại nhầm lẫn giữa nước mắm của làng nghề với nước mắm do một công ty sản xuất. Về điều này, ông Nguyễn Văn Thước, Trưởng phòng Kinh tế quận Liên Chiểu chia sẻ: “Sắp tới, khi làng nghề đã có nhãn mác hẳn hoi, chúng tôi sẽ kiến nghị Sở Khoa học-Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ can thiệp để tránh nhầm lẫn về nhãn hiệu, giúp người tiêu dùng phân biệt rõ đâu là nước mắm làng nghề, đâu là nước mắm của các công ty”.
Hậu quả là, sau vài lần ăn nước mắm Nam Ô không chính hiệu, nhiều người tiêu dùng đã quay lưng với sản phẩm vì cho rằng: “Mắm Nam Ô bây giờ tệ hơn lúc trước nhiều”, bà Nguyễn Thị Hương (K17/8A Nguyễn Văn Linh), một trong những người đã thử dùng các loại nước mắm trên đánh giá. Điều đó khiến những người làm nước mắm uy tín của làng này thực sự lo ngại. Bà Mai Thị Chước thuộc gia đình làm nước mắm truyền thống 3 đời phân bua: “Họ bán nước mắm như rứa làm ảnh hưởng tới danh tiếng làng nghề ghê lắm, nhưng bà con cũng không biết làm răng”.
Sẽ đặt 20 quầy hàng ở dọc tuyến quốc lộ
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Thước cho rằng, nước mắm Nam Ô chưa được tung ra thị trường lớn do trữ lượng sản xuất nước mắm ít và bị phân tán (mỗi hộ sản xuất một ít - PV). Ngoài ra, ông Lê Bốn, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô còn nêu khó khăn:
“Vì làng nghề chưa có nhãn mác tập thể (nhãn mác chung - PV) nên chúng tôi không dám đưa hàng đi bán ở ngoài, chỉ tham gia các hội chợ”. Dự kiến vào cuối quý 3, UBND quận Liên Chiểu sẽ hoàn thành lắp đặt 20 quầy hàng trưng bày nước mắm Nam Ô với kinh phí 100 triệu đồng trên các đường thuộc tuyến quốc lộ 1A là Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Văn Cừ (thuộc địa phận 2 phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).
Trên thực tế, UBND quận Liên Chiểu trong 4 năm nay đã hỗ trợ rất nhiều cho làng nghề trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như các phương tiện phục vụ cho sản xuất. Song, phải đưa ra các giải pháp cần thiết để sản phẩm đến được với người tiêu dùng sau các kỳ hội chợ, thì việc quảng bá mới thực sự có ý nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Thước, Trưởng phòng Kinh tế quận Liên Chiểu: “Nếu thành phố thật sự quan tâm đến sản phẩm làng nghề, thì nên ưu ái dành một quầy hàng để trưng bày và bán nước mắm Nam Ô khi xây dựng các chợ mới. Như vậy nước mắm sẽ dễ dàng đến tay người tiêu dùng, đồng thời cũng là sản phẩm phục vụ du lịch”. |
Bài và ảnh: HẰNG VANG