Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng. Theo đó, điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, đồng thời quy định thêm nhiều hành vi vi phạm mới, kịp thời áp dụng trên thực tế.
Cụ thể, phạt tiền từ 7-12 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phương tiện đo khi chưa được phê duyệt mẫu hoặc đã được phê duyệt mẫu nhưng quyết định phê duyệt mẫu hết hiệu lực. Nếu sản xuất phương tiện đo không đúng mẫu phê duyệt sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.
Mức xử phạt dành cho hành vi vi phạm quy định về đo lường trong sản xuất phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định cao nhất là 25 triệu đồng (không thực hiện kiểm định mà cấp giấy, chứng chỉ cho chuẩn, phương tiện đo) và thấp nhất là 200.000 đồng (vi phạm quy định về đo lường trong hoạt động bán lẻ). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung, tùy theo hành vi vi phạm mà buộc khắc phục hậu quả, buộc tiêu hủy giấy chứng nhận có liên quan, thu hồi về ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp, buộc tái xuất hoặc tiêu hủy phương tiện vi phạm, đình chỉ lưu thông hàng hóa vi phạm...
Đối với các hành vi vi phạm hành chính về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; chất lượng sản phẩm hàng hóa, mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng (hành vi xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng), mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng (bán sản phẩm hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định).
Nghị định cũng quy định mức phạt đến 2 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa có nhãn rách nát, mờ nhạt không đọc được nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn hàng hóa bị sửa chữa, tẩy xóa; bán hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn. Phạt tiền đến 1 triệu đồng khi bán hàng hóa sản xuất trong nước không có nhãn bằng tiếng Việt hoặc nhãn ghi kích thước chữ nước ngoài lớn hơn tiếng Việt. Phạt tiền đến 10 triệu đồng cho hành vi sản xuất, chế biến hàng hóa tại Việt Nam nhưng không ghi nhãn theo quy định.
Nếu tổ chức, cá nhân nào sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch thì bị phạt tới 6 triệu đồng (quy định cũ là 3 triệu đồng).
Hành vi tự ý tháo gỡ niêm phong hàng hóa, tang vật vi phạm đang bị cơ quan thanh tra niêm phong hoặc tạm giữ hoặc có hành vi tẩu tán, tiêu hủy hàng hóa vi phạm sẽ chịu mức phạt tới 30 triệu đồng (quy định cũ có mức phạt cao nhất là 7 triệu đồng).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31-7-2009.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ
.
.
Phạt 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý tháo gỡ niêm phong, tẩu tán hàng hóa vi phạm
Thứ Ba, 09/06/2009, 14:03 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.