.
QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Kinh nghiệm Singapore

.

Xây dựng nhà ở  và các chính sách về nhà ở

Singapore được đánh giá là quốc gia duy nhất trên thế giới có mô hình thành công nhất trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho nhân dân. Ngay từ những năm đầu, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nhu cầu xây dựng nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là dân nghèo sống trong các mui thuyền, nhà tạm ở các khu làng chài, các khu chung cư xuống cấp, không có các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục… Bắt đầu từ năm 1960, Chính phủ bắt tay thực hiện chính sách mọi người đều phải có nhà ở.
 

Cây xanh ở Singapore. (Ảnh tư liệu)

Cục Phát triển nhà ở (HDB) là cơ quan quản lý nhà ở xã hội duy nhất ở Singapore được thành lập năm 1960. Nhiệm vụ của cơ quan này là phải giải quyết nhà ở cơ bản phù hợp với sức mua của người dân từng giai đoạn; quy hoạch và phát triển các khu ở mới; huy động vốn và quản lý nguồn vốn của Nhà nước trợ cấp về chương trình nhà ở; phân phối, quản lý công bằng có hiệu quả và đề ra các chính sách về nhà ở. Việc xây dựng các căn hộ do các nhà thầu xây dựng và bàn giao cho Cục Phát triển nhà ở quản lý. Cục chỉ có chức năng giám sát chất lượng, không trực tiếp xây dựng và quản lý phân phối nhà sau khi xây dựng.   

Quá trình phát triển nhà ở của Singapore có thể chia làm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (năm 1960-1970):
Xây dựng các khu chung cư thu nhập thấp chỉ đủ để bố trí các phòng ở; mỗi căn hộ chỉ khoảng 50m2 đến 60m2 bố trí cho các hộ thu nhập thấp chưa có nhà ở.

Thời gian đầu, để tiết kiệm chi phí đầu tư và tiền điện vận hành, thang máy các chung cư được thiết kế 3 tầng mới có một điểm dừng; những năm sau khi thu nhập của người dân tăng lên thì hệ thống thang máy mới được cải tạo để dừng ở từng tầng. Các căn hộ ban đầu cũng thiết kế diện tích nhỏ, ít phòng ở nhằm phù hợp với sức mua, sau đó do nhu cầu ở và thu nhập tăng lên, các căn hộ được cải tạo nâng cấp mở rộng theo nhu cầu.

- Giai đoạn 2 (năm 1971-1980): Xây dựng bổ sung cho nhu cầu ở do tăng dân số, diện tích các căn hộ được nâng dần lên khoảng 70m2 và căn hộ có nhiều phòng (2-3 phòng).  

- Giai đoạn 3 (năm 1981-1991): Xây dựng thêm các chung cư và chú trọng đến cảnh quan, môi trường cây xanh trong các khu chung cư; cải tạo một số khu chung cư cũ cho phù hợp yêu cầu sử dụng ngày càng cao.

- Giai đoạn sau năm 1991 đến nay, quy hoạch phát triển thêm nhiều khu ở mới, nhằm phân tán và cân bằng mật độ dân số, thuận lợi cho giao thông đi lại. Việc xây dựng các chung cư giai đoạn này phần lớn được thực hiện theo đơn đặt hàng. Hằng quý, Cục Phát triển nhà ở công bố kế hoạch xây dựng nhà công khai để người dân lựa chọn, đặt hàng theo mẫu nhà và địa điểm thích hợp.

Tính đến nay, Cục Phát triển nhà ở quản lý 26 khu đô thị phát triển tại Singapore với tổng cộng gần 1 triệu căn hộ, cung cấp chỗ ở cho khoảng 85% dân số. Những kỳ tích và thành tựu trên là do Chính phủ đã có những chính sách phù hợp về phát triển và quản lý nhà ở như: Xây dựng quỹ đầu tư nhà ở. Năm 1968, Chính phủ Singapore thực hiện xây dựng quỹ “Để dành tiền mua nhà”, Nhà nước cho vay 70% kinh phí đầu tư với lãi suất thấp, 30% còn lại do người dân đóng góp dưới hình thức gửi tiết kiệm khoảng 23% thu nhập hằng tháng, các doanh nghiệp đóng góp cũng dưới hình thức gửi tiết kiệm khoảng 12% lợi tức của doanh nghiệp.
 
Người dân muốn được sở hữu căn hộ do Nhà nước cung cấp, phải thực hiện đóng góp quỹ để dành tiền mua nhà, số tiền người dân đóng góp quỹ được trừ dần vào tiền mua nhà trả góp, thời gian trả góp lâu nhất là 25 năm. Cục Phát triển nhà ở là cơ quan quản lý quỹ và tổ chức xây dựng nhà ở cho nhân dân và tổ chức bán nhà trả góp cho người dân. Người có thu nhập thấp được ưu tiên mua trước và thông qua các hình thức bốc thăm, người dân được mua căn hộ chỉ được sở hữu không quá 90 năm.

Sau thời hạn này, Chính phủ sẽ thu hồi không bồi thường để xây dựng lại chung cư mới, người dân sẽ được ưu tiên mua lại căn hộ trong chung cư mới trước khi hết quyền sở hữu nhà ở tại chung cư cũ. Việc bán có thời hạn là nhằm hạn chế tranh chấp về sau và thuận lợi cho việc xây dựng lại đồng bộ các khu chung cư.

Quản lý tốt căn hộ chung cư, thời gian đầu, Cục Phát triển nhà ở trực tiếp quản lý vận hành các chung cư, nhưng về sau, do số lượng chung cư quá lớn, để giải quyết kịp thời những thủ tục và những yêu cầu cho người dân, Chính phủ Singapore đã giao việc quản lý vận hành các chung cư cho các Hội đồng dân cư. Thành viên của Hội đồng dân cư bao gồm cơ cấu một số đại biểu Quốc hội ứng cử tại khu vực dân cư,  và một số đại diện khác do dân cư trong các chung cư bầu lên.

Các đại biểu Quốc hội chủ yếu là giám sát các hoạt động của Hội đồng dân cư, đối thoại với người dân. Chức năng của Hội đồng dân cư là quyết định các chính sách, giải quyết các thủ tục hành chính, quy định các khoản thu về lệ phí dịch vụ, bảo trì trong các khu chung cư, các vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn… Kinh phí hoạt động của Hội đồng 70% là do dân đóng góp, 14% do Chính phủ tài trợ, còn lại huy động thêm từ nguồn cho thuê mặt bằng bên dưới, quảng cáo, dịch vụ khác…

Giúp việc cho Hội đồng dân cư có một bộ máy quản lý các hoạt động, bộ máy giúp việc có trách nhiệm tạo mối quan hệ cộng đồng dân cư đoàn kết, thu phí bảo trì, tổ chức duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hệ thống kỹ thuật chính bên trong, kiến trúc mặt ngoài nhà, tổ chức hằng ngày công việc quét dọn vệ sinh, sửa chữa công viên cây cảnh nội bộ và cảnh quan các khu ở. Việc sửa chữa các thiết bị và nội thất bên trong do chủ căn hộ tự quyết định bỏ kinh phí để thực hiện. 

Cây xanh và công viên

Có thể nói, Singapore đã đạt được mục tiêu là “Thành phố trong vườn”. Ngay từ trong sân bay, cây xanh cũng đã được chăm sóc như một công viên, dọc tuyến đường từ sân bay Changi về trung tâm thành phố, cây xanh, thảm cỏ và cây bụi có hoa được trồng dọc hai bên đường và trên các dải phân cách, không một mét vuông đất trống nào lại không được tận dụng để trồng cây và hoa. Từ vỉa hè, dải phân cách, trên cầu vượt, trên ban công những tòa nhà cao tầng, trường học, bệnh viện… và các mảng bê-tông (như chân trụ cầu) đều được cây xanh phủ kín; nhiều đoạn đường ngang qua những khu công viên, cây xanh được trồng như những khu rừng nhiệt đới.

Một đặc điểm khác biệt trong trồng cây xanh đường phố và công viên ở Singapore là các cây xanh có tán luôn được trồng trên các thảm cỏ và cây bụi có hoa; trên các cây xanh đều trồng thêm các loại cây cộng sinh (như hoa lan)… Dọc các trục giao thông đều có dải phân cách bằng thảm cỏ, cây xanh và cây bụi có hoa ngăn cách lối đi bộ.

Công viên và khuôn viên các nhà cao tầng ở Singapore đều tận dụng địa hình và đất đào để tạo nên các hình dạng đồi núi nhỏ nhằm tạo cảnh quan thiên nhiên cho đô thị. Trong nhiều bồn hoa, dải phân cách nằm rải rác suốt các đại lộ của Singapore phần lớn là những cây hoa giấy, lá màu đẹp mắt, chịu được khô hạn chứ không phải là những loại cây, hoa đắt tiền.

Cây xanh có bóng mát được trồng nhiều nhất là cây “Raintree”, người địa phương còn gọi là “Cây năm giờ”, ở Việt Nam còn gọi là cây Muồng tím. Đây là loại cây ban ngày lá cây xanh tươi nhưng chiều tối khép lại và hoa có nhiều hương thơm. Quan niệm của một số chuyên gia Singapore cho rằng, vận dụng những đặc tính trên để hạn chế lá cây che khuất hệ thống chiếu sáng công cộng vào ban đêm và tạo ra bóng mát vào ban ngày.

Bộ máy quản lý cây xanh của Singapore là Ủy ban Công viên quốc gia (NParks). Chức năng của NParks là đề ra các chính sách quản lý cây xanh và trực tiếp quản lý hơn 365 công viên, cây xanh đường phố và các nơi công cộng.

Việc  chặt bỏ cây xanh đều phải xin phép NParks. Việc xây dựng, mở rộng các tuyến đường đều phải có bản vẽ quy định lộ giới cây xanh và bản vẽ cây xanh do NParks xét duyệt. NParks có khoảng 750 nhân viên, có trách nhiệm quản lý và giám sát việc duy tu và trồng cây xanh; các nhân viên kỹ thuật được phân công theo dõi cụ thể về tình trạng cây xanh, hằng tháng phải báo cáo về tình trạng cây để có chế độ quản lý và chăm sóc. Lực lượng lao động duy tu, phát triển cây xanh đều được thuê ngoài, trên 90% lao động thông qua các công ty tư nhân. Nhân viên các công ty này phải được NParks đào tạo một khóa học. 

Dự án phủ xanh thành phố bắt đầu từ những năm 1963, đến nay đã có trên 365 công viên với diện tích trên 1.800ha. Các công viên đều có kết hợp làm các khu vui chơi giải trí cho người già và trẻ em và cho các hoạt động thể dục - thể thao khác. 95% đường phố đã được phủ xanh, còn lại 5% là do bảo tồn các khu ở cũ.

Hiện nay, dự án đang tiếp tục xây dựng các trục đường có nhiều cây xanh dành riêng cho người đi bộ, xe đạp và các loại xe sử dụng năng lượng sạch và kết nối các khu công viên tạo thành một vành đai công viên, cây xanh để phát triển du lịch. Ngoài ra, dự án cũng kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, mỗi năm Chính phủ phát động một tháng trồng cây để huy động các doanh nghiệp và người dân tham gia phủ xanh thành phố.

Chính phủ Singapore cho rằng, trồng cây xanh ngoài việc tạo nên môi trường tốt còn tạo động lực để phát triển kinh tế, cụ thể như giá trị đất đai tăng lên, du lịch phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế. Thực tế, lượng khách đến Singapore để tham quan du lịch và mua sắm ngày càng tấp nập, đóng góp rất lớn cho thu nhập của người dân và nguồn thu cho ngân sách. Singapore còn là trung tâm để tổ chức các hội nghị lớn của châu Á.    
     
Môi trường

Rác thải tại Singapore được tái chế trên 60%, nước thải cũng được tận dụng tái chế dùng cho các ngành công nghiệp điện tử bán dẫn… Có thể nói, Singapore được xem là một quốc gia có môi trường xanh - sạch - đẹp của thế giới. Chính phủ rất coi trọng việc bảo vệ môi trường. Cụ thể là pháp luật về môi trường được thực hiện một cách toàn diện, là công cụ hữu hiệu nhất để bảo đảm cho môi trường sạch - đẹp của Singapore.

Thời gian đầu, Chính phủ tổ chức giáo dục ý thức để người dân quen dần, sau đó phạt nhẹ, nhắc nhở và hiện nay các biện pháp được áp dụng mạnh mẽ là phạt tiền, phạt tù, bắt bồi thường, đối với những vi phạm nhỏ thì phạt cải tạo lao động bắt buộc. Ở Singapore, vứt rác, hút thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 500 đô-la Sing trở lên…

Thu hút đầu tư và chế độ đãi ngộ

Với lợi thế là có một nền chính trị ổn định và không có chiến tranh kể từ sau ngày giành được độc lập, Chính phủ Singapore có một ý chí quyết tâm mạnh mẽ và có tầm nhìn chiến lược dài hạn, có chính sách thu hút đầu tư tốt. Cục Xúc tiến đầu tư là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng điều hành trực tiếp.

Cục đã chủ động mời gọi các nhà đầu tư lớn đến đàm phán để đầu tư tại Singapore mà không ngồi chờ các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc xây dựng ý thức quốc gia cho toàn dân, bắt đầu từ việc giáo dục nhận thức tiến dần đến việc xử phạt theo pháp luật một cách nghiêm minh được Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm. Với phương châm “Dùng chế độ bổng lộc để nuôi dưỡng liêm khiết và khuyến khích tinh thần cống hiến của cán bộ công chức”.

Cụ thể, lương công chức cao hơn lao động bình thường bên ngoài; đồng thời công chức được thưởng một khoản tiền thưởng lớn khi về hưu (trong trường hợp công chức bị vi phạm kỷ luật hoặc phục vụ không đúng thời hạn thì khoản tiền thưởng này sẽ bị tịch thu), Chính phủ Singapore đã tập hợp được nhiệt huyết và trí tuệ của đội ngũ công chức trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chính phủ còn xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, minh bạch hóa trong việc xử lý công việc của cán bộ, công chức, mọi công việc phân công đều có báo cáo và bố trí kiểm tra chéo lẫn nhau.

Đà Nẵng là một trong những thành phố ở nước ta được đánh giá cao trong công tác quản lý và phát triển đô thị. Hy vọng những thông tin về quá trình xây dựng và tái thiết đô thị của Singapore sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho Đà Nẵng trong công cuộc xây dựng và chỉnh trang đô thị tại địa phương.

Phan Đào - Dân Hùng (Biên soạn)

;
.
.
.
.
.