.

Tàu kéo cứu hộ góp phần cứu nạn

.

Vừa qua, Công ty Sông Thu đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao tàu kéo cứu hộ biển CSB - 9002 cho Cục Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) đưa vào hoạt động. Đây là chiếc tàu thứ 2 nằm trong đội tàu kéo cứu hộ biển gồm 4 chiếc, được Bộ Quốc phòng đặt hàng Công ty Sông Thu đóng mới, nhằm trang bị cho lực lượng CSBVN. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Chuẩn đô đốc Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục CSBVN.

* P.V: Xin đồng chí Chuẩn đô đốc cho biết về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của lực lượng CSBVN?

Chuẩn đô đốc Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam. 

- Chuẩn đô đốc Phạm Đức Lĩnh: Lực lượng CSBVN được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9-1998. Đây là một lực lượng chuyên trách đa chức năng của Nhà nước, thực hiện việc quản lý về an ninh, trật tự an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa và cũng hết sức nặng nề của lực lượng CSBVN đó là phòng, chống ô nhiễm môi trường, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển. Trong 10 năm qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, lực lượng Cảnh sát biển đã chủ trì thực hiện, phối hợp với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên biển.

Lực lượng CSBVN tuy ra đời khá muộn so với các lực lượng chuyên trách khác về bảo đảm an ninh trật tự, chưa có tiền lệ việc tuần tra, kiểm soát nên quá trình hoạt động của lực lượng CSB gặp không ít khó khăn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSB vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm, sao cho sát với tình hình thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ theo thẩm quyền, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy trình hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phù hợp với Luật Biển quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, duy trì an ninh trên các vùng biển và thềm lục địa, còn kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm chủ quyền. Lực lượng CSBVN còn thường xuyên làm công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân làm ăn trên biển, góp phần bảo đảm hoạt động nghề cá của ngư dân, chấn chỉnh những vi phạm về hàng hải của tàu thuyền hoạt động trên biển.

* P.V: Vai trò của tàu kéo cứu hộ đối với hoạt động của lực lượng CSBVN?

- Chuẩn đô đốc Phạm Đức Lĩnh:
Nước ta thường xảy ra bão lũ, mỗi năm có trên 10 cơn bão tràn qua lãnh thổ Việt Nam và gây không ít thiệt hại về người và tài sản. Còn nhớ cơn bão Chanchu và cơn bão Xangsane đã gây thiệt hại nặng nề về người và tàu thuyền cho ngư dân miền Trung, chủ yếu là ngư dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Có thể nói tại thời điểm ấy, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển của chúng ta bị chậm trễ, mà một trong những nguyên nhân chính là thiếu tàu kéo cứu hộ biển hiện đại, có công suất lớn, được phép hoạt động theo các điều ước quốc tế.
 
Chính vì vậy, việc Chính phủ và Bộ Quốc phòng quyết định trang bị đội tàu kéo cứu hộ biển gồm 4 chiếc cho lực lượng CSBVN đến năm 2010 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động của lực lượng CSBVN nói chung, góp phần tích cực vào công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nói riêng.
 
Thực tế, từ năm 2007, khi tiếp nhận và đưa vào hoạt động tàu kéo cứu hộ biển CSB 9001 hiện đại, công suất 3.500 CV, có khả năng hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết, mọi cấp sóng với thời gian 30 ngày đêm liên tục trên biển, đã giúp cho lực lượng CSBVN luôn ở trong tư thế cơ động, chủ động sẵn sàng triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đặc biệt là công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, mang lại niềm tin to lớn cho bà con ngư dân.
 
Quan trọng hơn, việc trang bị đội tàu kéo cứu hộ biển còn chứng minh sự nỗ lực lớn mạnh không ngừng, chính quy, hiện đại của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, lực lượng CSBVN nói riêng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển...

* P.V: Xin cảm ơn Chuẩn đô đốc về cuộc trao đổi này!

Thành Lân (thực hiện)                 

;
.
.
.
.
.