.
THỰC HIỆN GÓI KÍCH CẦU CỦA CHÍNH PHỦ

Nhiều đơn vị vận tải vẫn chưa “hóa giải”

.

Trong lúc nhiều DN SXKD khác đã có tín hiệu lạc quan sau gói kích cầu của Chính phủ, nhưng riêng các DN giao thông vận tải gần như chưa có chuyển biến gì.

Xe xuất bến nhưng lượng khách quá ít nên nhiều xe chạy lòng vòng để rước thêm khách.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Xí nghiệp Datranco tỏ ra rất phấn khởi khi trao đổi với chúng tôi về tác động từ gói kích cầu của Chính phủ: “Đơn vị chúng tôi vay của ngân hàng gần 1,5 tỷ đồng với lãi suất trung bình 12%/năm, trong bối cảnh ngành vận tải ế ẩm như hiện nay, đó quả là một gánh nặng. Chính vì vậy khi nghe tin Chính phủ dành 17 nghìn tỷ đồng để bù 4% lãi suất cho các DN, với chúng tôi chẳng khác nào chìm thuyền mà vớ được phao! Đặc biệt hơn là Ngân hàng Đầu tư và phát triển - nơi chúng tôi vay vốn - đã chủ động làm mọi hồ sơ để điều chỉnh lãi suất ngân hàng và mang đến chúng tôi ký là xong”.

Rất nhanh chóng được bù lãi suất ngân hàng từ gói kích cầu của Chính phủ, là nhận định của nhiều DN trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay thì nhiều đơn vị cho rằng vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các DN có quy mô nhỏ và các HTX. Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố cho biết, đến nay đã có 10 HTX vay vốn ngân hàng với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng từ gói kích cầu. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 2 đơn vị thuộc lĩnh vực giao thông là HTX Sửa chữa ô-tô Liên Chiểu và HTX Dịch vụ vận tải Hòa Vang vay với số tiền  khá khiêm tốn là 346 triệu đồng.
 
Giải thích về con số này, ông Liêm cho biết: Liên minh HTX thành phố đã thành lập tổ tư vấn hỗ trợ các HTX trong việc tiếp cận thông tin, làm thủ tục vay vốn ngân hàng từ gói kích cầu của Chính phủ. Thế nhưng khi làm thủ tục thì nhiều HTX lại không thể bảo đảm tiêu chí quan trọng nhất là tài sản để thể chấp với ngân hàng. Bên cạnh đó, việc chứng minh tài chính hai năm liên tục làm ăn hiệu quả cũng là cái khó với nhiều HTX. Bởi theo nhiều HTX vận tải cho biết, những năm gần đây, ngành vận tải có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa vận tải đường bộ và đường sắt, hàng không. Vì vậy, duy trì hoạt động đã khó, huống chi là có lãi.

Ở góc độ khác, đại diện của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và Thương mại Phi Hiệp cho biết thêm: Kế hoạch phát triển tuyến vận tải thì công ty đã có cả năm nay, tuy nhiên tình hình hiện nay phải tạm dừng vì ngành vận tải đang rơi vào tình cảnh cung vượt cầu. Đầu năm nay, công ty đã đưa một xe giường nằm 2 tầng chạy tuyến Đà Nẵng-Hà Nội, theo kế hoạch chạy một thời gian sẽ nâng lên thành 2 chiếc. Thế nhưng do quá ế ẩm, nên đành bỏ luôn tuyến Đà Nẵng-Hà Nội.

Ngay như tuyến Đà Nẵng-thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù công ty đã có tuyến chạy cố định với 7 xe chất lượng cao, và 3 xe giường nằm 2 tầng, nhưng việc duy trì hoạt động cũng là một vấn đề nan giải. Vì vậy, công ty chưa có phương án vay tiền từ gói kích cầu của Chính phủ để mở rộng kinh doanh. Đây cũng gần như là tình trạng chung của ngành vận tải cả nước.

Theo tính toán của các đơn vị vận tải đường dài, từ đầu năm đến nay, giá cước vận tải đã giảm xuống gần 30%, thế nhưng vẫn không thu hút được khách. Hầu hết xe xuất bến tại đầu Đà Nẵng nhiều nhất chỉ bán được 30% số ghế, cá biệt có xe chỉ có

1-2 hành khách. Thậm chí ngay đến các mùa hoạt động cao điểm là cuối năm, các lễ hội hay kỳ thi đại học, cao đẳng thì lượng khách cũng không tăng lên bao nhiêu. Chính vì tình trạng ế ẩm như vậy nên các đơn vị đều ưu tiên cho việc duy trì các xe hiện đang hoạt động hơn là vay vốn của ngân hàng để mở rộng SXKD trong lúc này.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.