Từ lâu, hệ thống thủy nông ở Đà Nẵng đã được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện và kiên cố. Với 1 đập dâng, 3 trạm bơm tổng công suất trên 40 nghìn m3/giờ, 185km kênh mương (145km đã bê-tông hóa), 13 hồ đập lớn nhỏ, không chỉ đáp ứng nhu cầu tưới cho hơn 3.000ha đất lúa của địa phương mà còn cấp nước cho một số vùng của tỉnh Quảng Nam.
Dùng máy bơm chống hạn vẫn khá phổ biến trên đồng ruộng Đà Nẵng. |
Cánh đồng lúa của thôn Trường Định, xã Hòa Liên (Hòa Vang), 76,5ha đất canh tác ở đây vụ hè thu nào cũng đối mặt với khô hạn, chỉ trông chờ vào nước trời là chủ yếu. Một số diện tích gần núi lấy nước từ các khe, nhưng thất thường do không có đập dâng. Ông Võ Văn Thành, trưởng thôn này cho hay: Thu nhập của 251 hộ ở đây trông chờ vào sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa và nuôi trồng thủy sản.
Do không có hệ thống thủy nông, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào ông trời. Năm mưa thuận gió hòa, như vụ đông xuân vừa qua, bà con còn có cái mà thu. Có vụ nắng hạn gay gắt, lúa không lên nổi, chịu mất trắng. Nhiều năm nay, bà con đề nghị trên đầu tư xây dựng đập dâng trong khe núi bảo đảm khâu nước tưới cho đồng ruộng, nhưng đến nay chưa được quan tâm. Chị Trần Thị Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết: Gần 400ha phía nam sông Cu Đê lấy nước từ hồ Hòa Trung không khi nào thiếu. Duy chỉ thôn Trường Định năm nào người dân cũng gồng mình chống hạn. Làm ra hạt thóc trên cánh đồng này thật lắm gian nan.
Những ngày nắng nóng gay gắt này, không khi nào trên cánh đồng thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc vắng bóng nông dân bơm nước chống hạn cho lúa. Những chiếc bơm công suất nhỏ chẳng thấm vào đâu trước tình trạng ruộng bị khô nứt nẻ. Ông Nguyễn Trung, cư dân ở đây cho hay: Không canh tác chẳng biết làm gì để có thu nhập, mà canh tác thì quá vất vả và tốn kém cho khâu tưới. Ngày nào cũng kéo điện ra bơm, mà có ăn thua gì đâu.
Không bơm, chỉ dăm ba ngày là lúa khô héo hết. Giá như trên đầu tư cho thôn này trạm bơm hoặc đập dâng trong khe núi thì đỡ biết mấy. Năm nào cũng gò lưng chống hạn mới làm ra hạt thóc. Đủ nước tưới, một năm 2 vụ lúa, vùng này chẳng lo chi đói, đất đai khá màu mỡ chứ đâu đến nỗi, tình trạng người dân vào rừng lấy gỗ cũng nhờ thế mà giảm.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, hiện trên địa bàn có khoảng 400ha đất lúa tại các xã trung du, miền núi canh tác trông chờ vào nước trời. Thời gian qua, một số đập nhỏ cũng đã xây dựng nhưng chẳng thấm vào đâu so nhu cầu tưới. Ở Hòa Bắc, đập Hội Yên bị hư hỏng do lũ đã lâu, kiến nghị trên đầu tư xây dựng lại, nhiều năm nay vẫn chưa được quan tâm. Hay như ở Lộc Mỹ, nhiều diện tích đang bị hoang hóa chỉ vì không có nước tưới.
Nông dân thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc chống hạn cho lúa. |
|
Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp vừa được thành phố phê duyệt, cơ quan chức năng cần quy hoạch lại hệ thống thủy nông, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư cho khu vực trung du, miền núi và các cánh đồng rau chuyên canh. Với các đập dâng, hoặc trạm bơm nhỏ cho các cánh đồng của các xã miền núi như Hòa Bắc, Hòa Liên sẽ là cơ hội cho nông dân vùng này đẩy mạnh sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Bài và ảnh: HOÀI NAM