.

Xây dựng thương hiệu ẩm thực địa phương

.

Với mục tiêu đưa du lịch phát triển bền vững trong tương lai, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã đề xuất với UBND thành phố dự án nghiên cứu các đặc sản ẩm thực của Đà Nẵng, xứ Quảng và của miền Trung để xây dựng một hệ thống thực đơn phong phú, sẵn sàng phục vụ mọi đối tượng du khách khi đến Đà Nẵng.

Chỉ cần một lần được thưởng thức miếng ngon là thực khách sẽ nhớ để lần sau ghé tới.

Dự án thực hiện trong phạm vi gần 200 món ăn đặc trưng của ba miền Bắc - Trung - Nam và cả những món ăn dành cho các đối tượng người nước ngoài. Trên phương diện nghiên cứu đặc sản từ danh mục món ăn, nguồn chất liệu chế biến, quy trình và cách thức chế biến đến tính ngon miệng, thẩm mỹ và hàm lượng dinh dưỡng trong các món ăn, kể cả hàm lượng văn hóa trong chế biến, bày biện và thưởng thức món ăn…, các nhà nghiên cứu muốn hướng tới xây dựng thương hiệu ẩm thực Đà Nẵng để quảng bá du lịch. Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu xã hội - nhân văn và Môi trường-Đô thị thuộc Viện này cho hay:
 
Nói đến ẩm thực mang đặc trưng xứ Quảng thì hầu như không nhiều, xác định địa danh khu trú món ăn Đà Nẵng lại càng ít. Khách du lịch ngày nay tới từ nhiều quốc gia, tương ứng với sự đa dạng về nguồn khách thì các món ăn cũng đồng nghĩa phải phù hợp với các đối tượng thực khách. Thông qua những nội dung nghiên cứu, dự án xác lập danh mục các món đặc sản ẩm thực, quy trình chế biến và định hình văn hóa ẩm thực; đồng thời xác lập hệ thống cơ sở dịch vụ ẩm thực như nhà hàng, khách sạn cao cấp, các hàng quán bình dân sẵn sàng phục vụ mọi đối tượng du khách tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn. 

Gần đây, tại thành phố Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu đặc sản địa phương từ bình dân như bánh xèo Bà Dưỡng, mì Quảng Hải Phòng, bánh bèo bà Bé, bánh tôm bà Phúc, bún chả cá đường Nguyễn Chí Thanh, bún bò Huế, bánh khoái Thượng Tứ, bánh tráng thịt heo Trần, đến Nhà hàng Hải sản Nhật, “Bánh sự sống” của những ông bà chủ Tây… được nhiều người đón nhận và xem đó là khẩu vị riêng biệt khó có thể copy. Đặc sản vùng, miền hiện nay khá nhiều, nhưng làm sao để xây dựng các món ăn ngon, thực sự mang tính đặc trưng chứ không phải là sự chắp vá, vay mượn của phong cách giữa phương Đông và phương Tây là việc cần nghiên cứu kỹ.

Tiến sĩ Sơn còn chỉ ra thói quen và khả năng thích ứng của từng người về mùi vị trong ăn uống. Chẳng hạn như đối với người miền Bắc, họ không thích những món ăn đậm vị ngọt hoặc quá cay, nhưng với người miền Trung và Nam thì ngược lại. Hoặc với người nước ngoài, những món khô như cơm mà dùng nước để chan lẫn thì sẽ rất khó nuốt…

Và vì thế, tùy theo đối tượng vùng miền, chế biến các món ăn phụ thuộc vào sở thích lẫn thói quen sinh hoạt của từng người. Một điểm yếu từ thực tế lâu nay vẫn diễn ra, đó là để chiều khách, nhiều quán ăn đặc sản trên địa bàn đã không còn giữ được sự nguyên tắc trong chế biến. Ví dụ, phở Hà Thành trước đây tại Đà Nẵng không có vị cay và ngọt nhưng vì phục vụ theo yêu cầu cá nhân của người thưởng thức, bát phở ngày nay đã được biến tấu khá đa dạng về chất liệu.

Kinh nghiệm từ một số địa phương khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, với Đà Nẵng khi xây dựng một thương hiệu ẩm thực các món ăn cần xác định hương vị đặc trưng. Thông qua việc điều tra kỹ về lượng khách hằng năm, đồng thời tính toán nhu cầu ăn, ở của khách trong và ngoài nước để từ đó tổ chức định hướng các địa điểm, nhà hàng, quán ăn phục vụ ăn uống.

Nhà hàng Trần từng bước xây dựng đặc sản địa phương trở thành điểm thu hút khách du lịch.

Nhu cầu ăn uống ngày nay không chỉ dừng lại ở việc ăn ngon, ăn no, mà còn đẹp mắt và bổ dưỡng. Khi cuộc sống sung túc, đủ đầy về phương diện vật chất thì ăn uống trở thành thú vui tinh thần của nhiều người. Đề tài phục vụ phát triển du lịch thành phố dựa trên cơ sở nhu cầu của du khách khi đến tham quan một địa phương là thưởng thức văn hóa ẩm thực của địa phương đó.

Vì thế, nghiên cứu các đặc sản ẩm thực của địa phương để xây dựng một nền văn hóa ẩm thực phong phú về món ăn, ngon miệng và bổ dưỡng, an toàn cho sức khỏe và thân thiện trong thái độ phục vụ là một việc cần thiết nhằm thu hút du khách, nâng cao chất lượng phục vụ để phát triển du lịch địa phương.

Bài và ảnh: Duyên Anh

 

;
.
.
.
.
.