Nhiều văn bản về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã ban hành, nhiều hội nghị, hội thảo đã triển khai, nhưng xem ra lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng khai thác hải sản ở vùng biển gần bờ theo kiểu hủy diệt vẫn diễn ra thường xuyên và hầu như cơ quan chức năng chưa vào cuộc.
Đánh bắt hải sản bằng ghe nan, thúng máy khá phổ biến ở Sơn Trà. |
Những người thu mua chong đèn 2-3 tiếng đồng hồ vất vả chọn lựa từng tý mới có ít cá, tôm đưa ra chợ. Số còn lại chỉ dùng chế biến thức ăn gia súc. Bà Phùng Thị Năm, ở tổ 6 Thành Vinh 2, phường Thọ Quang, người chuyên mua cá tại bến này cho hay: Sáng nào cũng mua 400-500kg. Nhặt nhạnh cả buổi chỉ được vài chục ký đưa ra chợ, còn lại phơi tại chỗ.
Đánh bắt bằng lưới kéo mắt nhỏ gần bờ, hải sản đưa về nhiều nhưng chẳng mấy giá trị. Có bữa tàu đưa về toàn mực cỡ ngón tay út khá nhiều. Loại đó đã bị đánh bắt, thử hỏi còn đâu để lớn, sinh sản nữa? Tôi làm nghề này đã hàng chục năm, thấy rằng ngư dân đưa về toàn thứ cá tạp, họ cũng khổ mà chúng tôi thu nhập cũng chẳng đáng là bao.
Đến bến cá nào ở Đà Nẵng cũng dễ nhận ra kiểu đánh bắt bằng lưới quét mắt nhỏ. Theo các văn bản quy định trong Luật Thủy sản, đánh bắt kiểu đó là vi phạm quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sẽ bị xử phạt. Nhưng ở Đà Nẵng chưa có ngư dân nào bị xử lý về tình trạng đánh bắt theo kiểu hủy diệt này.
Người ta biện minh cho thực trạng đánh bắt bằng lưới kéo mắt nhỏ gần bờ là do nhu cầu mưu sinh. Vươn ra khơi xa không phải ai cũng làm được. Đa số ngư dân Đà Nẵng chỉ quẩn quanh khu vực gần bờ với những nghề bị cấm. Nói là gần 2.000 tàu thuyền đánh cá, nhưng trong đó hơn 2/3 là loại chỉ đánh bắt gần bờ.
Đó là chưa nói số ghe nan, thúng máy phát triển rất nhanh trong mấy năm gần đây. Chỉ tính riêng phường Thanh Khê Đông (Thanh Khê) - địa phương có tiềm năng đánh bắt xa bờ, ghe nan tăng 80 chiếc so với 2 năm trước. Trong khi đó, tàu công suất trên 60 CV giảm từ 83 chiếc xuống chỉ còn 26 chiếc. Ông Phạm Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Đông cho hay: Xu hướng ngư dân bỏ khơi xa về gần bờ khá nhiều. Chủ trương không cho đóng mới ghe nan, tàu công suất nhỏ, nhưng ngư dân vẫn làm. Đánh bắt gần bờ tránh sao được các nghề cấm. Với cấp Hội, chỉ tuyên truyền nhắc nhở, còn xử lý thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Quận Sơn Trà hiện có 1.455 tàu thuyền đánh cá các loại, trong đó loại 90 CV trở lên chỉ có 63 chiếc và cũng chỉ 300 chiếc có công suất từ 45 đến dưới 90 CV. Điều này đồng nghĩa với thực trạng hơn 1.000 chiếc công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Tại Sơn Trà, ngư dân phát triển ghe nan, thúng máy với số lượng khá lớn.
Vài ba năm trở lại đây, ngư dân được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi ngành nghề từ lưới kéo mắt nhỏ sang lưới vây, nhưng số tàu chuyển đổi thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì mưu sinh, họ chấp nhận đánh bắt bằng các nghề bị cấm như giã cào, mành điện. Ông Võ Văn Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết: Thực trạng tàu thuyền như vậy, có tuyên truyền, vận động, hoặc xử lý cũng chịu. Không đánh bắt gần bờ bằng lưới kéo mắt nhỏ, họ biết làm gì, khi mà kinh phí để chuyển đổi ngành nghề phải hàng trăm triệu đồng sắm ngư lưới cụ. Trong lúc đó, đa số ngư dân đời sống còn khó khăn.
Những người mua hải sản ở Thọ Quang phải vất vả chọn lựa trong số hải sản ngư dân đưa về mới có được ít tôm, cá đưa ra chợ. |
|
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ, kể cả các rạn san hô là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Và như vậy, cơ quan chức năng phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phải bám sát hoạt động đánh bắt của ngư dân, từ đó có biện pháp tuyên truyền giáo dục, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm; phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể các địa phương triển khai chương trình chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân... Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn đứng ngoài cuộc trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hậu quả sẽ rất
nặng nề.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu