Trong số các hội khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội KHKT thành phố, Hội Cơ khí là một trong số ít đơn vị có số hội viên ngày càng phát triển và hoạt động có hiệu quả nhất, có những đóng góp tích cực, thiết thực vào sự phát triển chung của thành phố. Nhiều hội viên là những cơ sở sản xuất với những ngành hàng có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Điển hình như Công ty CP Cơ điện miền Trung, Công ty Điện máy và Kỹ thuật công nghệ, Công ty CP Lilama 7, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hà Giang…
Dây chuyền mạ kẽm mới được đầu tư để hiện đại hóa sản xuất của Công ty CP Cơ điện miền Trung. |
Một số chi hội đã tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, thiết kế chế tạo được nhiều sản phẩm mới phục vụ kinh tế và quốc phòng. Lãnh đạo các cơ sở đã linh hoạt, nhạy bén hơn trong việc tập hợp đội ngũ trí thức trong đơn vị, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, tìm đối tác liên doanh liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Công ty Sông Thu với sự đầu tư không ngừng cả về thiết bị và công nghệ đã cho ra đời nhiều sản phẩm phục vụ cho an ninh-quốc phòng và phát triển kinh tế. Đến nay, công ty là một trong những cơ sở có uy tín trong việc đóng các loại tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển phục vụ trong nước và xuất khẩu. Công ty CP Cơ điện miền Trung từ chỗ chỉ sản xuất các thiết bị, phụ kiện phục vụ thay thế và sửa chữa cho các thiết bị thuộc ngành điện, nhưng đến nay, nhờ đầu tư công nghệ tiên tiến nên đã đảm nhận hầu hết các hạng mục cơ khí chính để xây dựng các nhà máy thủy điện lớn trong nước như Thủy điện Sơn La và các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa khác ở khu vực miền Trung.
Nhằm giúp cho các hội viên nâng cao kiến thức, nắm bắt thông tin về thị trường, khoa học, công nghệ mới, Hội đã phối hợp với Sở Công thương thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, tạo điều kiện cho các chi hội tham gia nhiều hội chợ - triển lãm thành tựu của ngành cơ khí - điện... Hội đã mời các nhà khoa học báo cáo chuyên sâu về các ngành nghề liên quan cho hội viên, nghe các báo cáo chuyên đề về khoa học...
Nghiên cứu khoa học và ứng dụng những tiến bộ KHKT là một trong những hoạt động nổi bật của Hội trong những năm qua và đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các hội viên, các cơ sở sản xuất. Các chi hội đã tích cực tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Hội chợ - triển lãm hàng công nghiệp hằng năm của Trung ương và địa phương tổ chức với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều giải pháp công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đưa nhiều kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài áp dụng vào sản xuất, đi đôi với đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới.
Cùng với việc linh hoạt trong SXKD và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, đến nay ngành cơ khí đã có sự vươn lên mạnh mẽ, bước đầu đã thoát khỏi khó khăn, tìm được chỗ đứng trên thương trường, nhiều sản phẩm cơ khí không chỉ có tính cạnh tranh trên thị trường trong nước, mà còn đẩy mạnh được xuất khẩu.
Một số sản phẩm cơ khí đã có kiểu dáng công nghiệp hiện đại, chất lượng sản phẩm, mức tự động hóa cao hơn, gia công được những sản phẩm có độ chính xác cao, nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, như: Nghiên cứu, chế tạo toàn bộ dây chuyền mạ màu và mạ kẽm hoàn chỉnh theo công nghệ Nhật Bản (Công ty CP Cơ điện miền Trung) và đã sản xuất một dây chuyền xuất khẩu sang Bănglađét. Nghiên cứu, thiết kế, mua và áp dụng công nghệ đóng tàu biển 3.500 CV, chế tạo sàn nâng tàu 1.600 tấn; nghiên cứu, thiết kế đóng mới tàu chuyên dùng (tàu cứu hộ cứu nạn, tàu lai, dắt…) trong mọi thời tiết đã xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới (Công ty Sông Thu).
Nghiên cứu các giải pháp công nghệ đóng mới tàu biển 3.000 tấn; nghiên cứu đề tài gia công trục chân vịt tàu 1.000 tấn; nghiên cứu, chế tạo tụ điện điện áp cao (250V – 400V-630V...); nghiên cứu thiết kế chế tạo, lắp ghép hệ thống xử lý khí thải, nước thải công nghiệp cho khách hàng trong nước và nước ngoài (Trung tâm Tư vấn kỹ thuật Sở Công thương)...
Nghiên cứu thiết kế chế tạo và lắp ráp xe ô-tô khách DAMCO TANDA45/50 theo model châu Âu; sản xuất xe con, xe ben, xe tải nhẹ, xe nông dụng (DAMCO T1.2); thực hiện dự án đầu tư dây chuyền sản xuất khung - gầm xe ô-tô (Công ty Cơ khí ô-tô và thiết bị điện Đà Nẵng). Thiết kế chế tạo thành công hệ thống xử lý bụi, mùi cho các điểm ép rác. Nghiên cứu xử lý nước rỉ từ các bãi thải để làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, còn nhiều công trình, đề tài khoa học khác có giá trị kinh tế và xã hội cao, góp phần khẳng định vị thế của ngành cơ khí trong ngành công nghiệp nói riêng và trong nền kinh tế nói chung.
Bài và ảnh: Đức Thịnh