.

Chợ “3 trong 1”

.

Có từ những năm 70 thế kỷ trước, chợ Mới Ba Xã mang cái tên giản dị như bao chợ khác ở thôn quê. Ban đầu, nó phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân vùng giải phóng 3 xã Điện Thắng, Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) và Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng) ngày nay.

Trước đây, chợ chỉ đông vào buổi sáng nhưng nay hoạt động cả ngày, kéo dài đến 9 giờ đêm.

Dù nhiều người dân hiện nay không biết nhiều về lai lịch của một ngôi chợ truyền thống buổi manh nha, nhưng bản thân tên gọi của chợ Mới Ba Xã đã bao quát hết hàm ý tên gọi. Ba xã chỉ có một cái chợ để làm nơi trao đổi hàng hóa, giao lưu thông tin, nhắn nhủ, liên lạc trong chiến tranh. Theo “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Hòa Phước giai đoạn 1930-1975”, thời điểm chợ hình thành trên khu đất trống, xung quanh không có dân cư mà chỉ là vài ba lều tranh tre, vách nứa.
 
Phía đông nam chợ là đồn bốt giặc Mỹ vây dày đặc, nhằm kiểm soát nhân dân ta ra vào mỗi buổi chợ. Chúng đã dựng đồn bốt ở các điểm và lục soát từng người đi chợ mang theo bất kể mớ rau, con cá…, với mục đích ngăn chặn sự tiếp tế của nhân dân với lực lượng cách mạng. Ba xã Điện Ngọc, Điện Thắng và Hòa Phước đều là vùng giải phóng, với số dân lúc bấy giờ chỉ khoảng gần 20 nghìn người. Chợ hoạt động theo những giờ giấc nhất định, chỉ vào buổi sáng và những ai đi chợ đều bị kiểm tra gắt gao.
 
Xã Hòa Phước có trên dưới 6 nghìn dân nhưng đã có đến 5 đồn lính canh gác, chúng cấm cản người dân ra đường theo giờ giới nghiêm. Mặc dầu vậy, với tinh thần đấu tranh bất khuất, không chịu lùi bước, lực lượng giao liên, du kích xã vẫn hoạt động theo phương thức: dùng rau, cá để ngụy trang giấu tài liệu và tiếp tế cho cách mạng. Những người con của vùng như đồng chí Huỳnh Đức Hối, Xã đội trưởng Hòa Phước đã dùng trái mít non khoét ruột để nhét mìn rồi đặt trên quốc lộ 1A, diệt 2 xe của Mỹ và gần chục tên giặc. Một số chị như chị Đặng Thị Giàu, Võ Thị Mai đã dùng súng AK47, lựu đạn diệt và làm bị thương nhiều tên lính Mỹ trong khi đi chợ.

Sau ngày giải phóng, chợ tiếp tục hoạt động nhưng vẫn lụp xụp như buổi đầu. Năm 1979, chính quyền xã đầu tư mái che lợp lá để người dân có chỗ trú mưa trú nắng buổi hôm, mai. Chợ Mới Ba Xã từ đó đến nay hoạt động rộn ràng hơn với nhiều ngành hàng, quy mô diện tích mở rộng 750m2, đáp ứng gần 3.000 hộ kinh doanh. Nhìn vào sự khang trang của chợ mới được xây dựng lại, nhiều người dân bày tỏ sự phấn khởi vì đã lâu lắm rồi, đường sá được mở rộng, nhà cửa đã kiên cố, hàng quán dịch vụ nhiều hơn, nhưng người dân thì vẫn phải mua bán trong vành chợ cũ kỹ, nhếch nhác.

Điều đáng nói, mặc dù sau ngày chia tách tỉnh đến nay, người dân các xã Điện Thắng, Điện Ngọc và một số thôn của xã Điện Hòa (Quảng Nam) đã có chợ mới riêng của địa phương, nhưng mối quan hệ mua bán vẫn gắn bó với chợ Mới Ba Xã như thuở ban đầu. Ông Lê Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước nói rằng:
 
“Trong chiến tranh, người dân các xã lân cận đã không ngại khó khăn gian khổ, nương tựa nhau mà sống, bám chợ để hoạt động cách mạng, thì ngày nay không lý gì người dân các xã lân cận không tiếp cận giao thoa để mua bán. Ngoài việc đưa những hộ kinh doanh ở xã Hòa Phước vào trong chợ Mới, chúng tôi cũng bố trí thêm chỗ buôn bán cho những người dân của các xã Điện Thắng, Điện Hòa, Điện Ngọc nếu có nhu cầu vào đây”.

Nằm trong vành đai của thành phố bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, trải qua những năm tháng mất mát, dân số xã Hòa Phước đã tăng lên gấp 2-3 lần, địa giới hành chính cũng sự có thay đổi, nhưng chợ Mới Ba Xã vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt truyền thống của người vùng quê. Cung cách mua bán có phần đơn giản, không câu nệ nhiều về giá cả, lời ăn tiếng nói của người dân mộc mạc, bình dị, ấm áp tình người.

Chợ Mới Ba Xã được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2008, với tổng kinh phí hơn 840 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung năm 2008 là 500 triệu đồng, huy động tiểu thương đóng góp 200 triệu đồng và vốn ngân sách huyện năm 2009 là 140,1 triệu đồng. 
           
(Nguồn: Phòng Công thương huyện Hòa Vang)


Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.