.

Chưa giảm giá bán lẻ xăng, dầu

.

Tại cuộc họp báo về cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu trong nước hiện nay, diễn ra ngày 15-7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết tạm thời chưa giảm giá bán lẻ đối với các mặt hàng xăng, dầu. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ trích trả cho ngân sách 1.000 đồng mỗi lít xăng và dành một khoản cho Quỹ bình ổn giá.

Chưa thể giảm giá xăng, dầu vào thời điểm này.

Giải thích về việc giữ nguyên giá bán lẻ xăng, dầu trong khi giá mặt hàng này trên thế giới liên tục giảm trong 14 ngày gần đây, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu phân tích, bình quân giá xăng dầu thế giới từ ngày 30-6 đến ngày 13-7-2009 giảm từ 0,8% đến 8,6% so với giá bình quân tháng 6-2009 tuỳ theo từng chủng loại nhiên liệu, trong đó giá dầu thô giảm nhiều hơn giá dầu thành phẩm, đặc biệt giá dầu mazut giảm không đáng kể (giảm 0,8%).

Trong khi giá dầu trên thế giới giảm thì các doanh nghiệp kinh doanh trong nước vẫn phải nộp các loại thuế, phí như hiện hành (cụ thể: thuế nhập khẩu xăng là 20%, diesel là 20%, dầu hoả là 30%, mazut là 25%), cộng với việc nộp trả cho ngân sách Nhà nước 1.000 đồng/lít xăng mà Bộ Tài chính đã tạm ứng cho doanh nghiệp vay để tự xử lý số lỗ kinh doanh xăng từ năm 2007 đến năm 2008... thì theo tính toán của liên Bộ Tài chính - Công Thương, các doanh nghiệp hiện nay vẫn lỗ 179 đồng cho mỗi lít xăng; lỗ 591 đồng cho mỗi kg dầu mazut.

Sở dĩ có chuyện trích 1.000 đồng/lít xăng, theo ông Hiếu, là bởi từ đầu năm các doanh nghiệp đã lỗ 4.040 tỷ đồng và Bộ Tài chính đã phải tạm ứng 4.038,5 tỷ để tạm bù đắp cho số lỗ này. Các doanh nghiệp phải trích lãi ra trả dần cho ngân sách và đến nay mới trả được 38%.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao Petrolimex (Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam) thông báo lãi kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng đầu năm 200 tỷ đồng nhưng vẫn kêu lỗ với các bộ, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho hay số lãi đó là kinh doanh xăng dầu tái xuất, còn doanh nghiệp bị lỗ với kinh doanh xăng dầu nội địa. Petrolimex trong 6 tháng đầu năm đã lãi 392 tỷ đồng với xăng dầu tạm nhập tái xuất và lỗ trên 100 tỷ đồng với kinh doanh xăng dầu nội địa.

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cũng cho biết thêm, để hoàn thiện cơ chế kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thông qua việc sửa đổi Nghị định 55/2007/NĐ-CP theo hướng doanh nghiệp được tự quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi nhất định.

Liên Bộ tính toán, việc điều hành như trên sẽ đem lại nhiều lợi ích như hình thành được Quỹ Bình ổn giá, từ đó tạo nguồn lực để chủ động ổn định giá, hạn chế được việc phải tăng giá cao đột biến như năm 2008 cũng như tác động kéo theo đối với các mặt hàng khác và nền kinh tế. Đây là tiền đề để điều hành giá xăng dầu thực sự theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Về phía doanh nghiệp, sẽ nâng cao tính chủ động, minh bạch trong việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực tại thời điểm hiện nay. Cụ thể, giá xăng của Việt Nam thấp hơn từ 376,5 đồng/lít đến 5.647,6 đồng/lít tuỳ theo mỗi nước; giá diesel tại Việt Nam xấp xỉ với giá diesel tại Thái Lan, nhưng thấp hơn của một số nước trong khu vực từ 1.191 đồng/lít đến 4.888 đồng/lít.

Theo Chinhphu.vn, TTXVN

;
.
.
.
.
.