Mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, lãi ròng từ 100-150 triệu đồng, đó là thành quả của một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chuyên nghề trồng hoa, cây cảnh: ông Trương Hữu Bửu (60 tuổi), ở thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương (Hòa Vang).
Trước đây, với diện tích gần 12.000m2 đất vườn và đất màu, gia đình ông Bửu trồng đủ loại cây như mít, xoài, ổi và nuôi cá, nuôi heo, trâu, bò... nhưng mỗi năm chỉ đủ chi phí trong gia đình và lo cho các con ăn học.
Năm 1990, hưởng ứng chủ trương của xã về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, qua nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chiết ghép cây ăn quả do Hội Làm vườn thành phố và huyện tổ chức, cộng thêm sự tìm tòi, học hỏi trên sách báo, ông Bửu đã mạnh dạn vay hơn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang để cải tạo vườn tạp, thay vào các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như xoài cát Hòa Lộc, bưởi 5 roi, nhãn, sầu riêng... Từ đó, ông mở điểm buôn bán các loại cây ăn quả tại nhà, đồng thời chở đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài thành phố.
Đến năm 2000, sau quá trình đi bán hoa quả, ông nhận thấy nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập và lãi rất cao, trong khi chi phí lại thấp. Được sự hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh của Hội Làm vườn thành phố và huyện, một lần nữa, gia đình ông lại chặt phá toàn bộ cây ăn quả trong vườn, thay vào đó là đủ các loại cây kiểng như cau Sâm banh, cau Tam giác, mai thế Hồng diệp, mai Chiếu thủy đến Sanh tầng, Sanh thế, Vạn tuế... Trên hành trình tìm kiếm giống cây phù hợp với thị hiếu của mọi người, ông đã đi lại nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong cách chăm sóc, uốn tỉa tạo dáng cho cây kiểng từ những người trong nghề.
Đến nay, khu vườn nhà ông đã có hàng trăm cây kiểng các loại. Tiếng lành đồn xa, nhiều công ty, cơ quan, cá nhân đến tận nhà ông Bửu đặt mua cây kiểng và không quên mời ông về tận nơi trang trí, thiết kế. Mỗi năm, từ việc bán các loại cây kiểng, gia đình ông thu về không dưới 700 triệu đồng. Tận dụng diện tích đất trống trong vườn, ông trồng xen lẫn hơn 10 nghìn các loại cây hoa nhỏ như Cẩm tú, Lài tây, Mắt Ngọc, giá cả từ 5-6 ngàn đồng/cây, mỗi năm thu về hơn 50 triệu đồng. “Làm nghề này tuy nhẹ nhàng, thu nhập mang lại khá, song đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ, có sự sáng tạo, nghĩa là phải luôn phát hiện ra những cái mới đẹp, phù hợp với thị hiếu người chơi kiểng và nhu cầu xã hội”, ông Bửu chia sẻ.
Không hài lòng với những gì mình có, trong một dịp đến Hội An, ông nhận thấy nơi đây nhiều hộ dân trồng cỏ Nhung thảm rất có giá trị kinh tế, ông quyết định thuê 2.000m2 đất cạnh nhà để trồng cỏ Nhung thảm, cung cấp cho các sân golf, khu du lịch trong và ngoài thành phố, mỗi năm thu về 160 triệu đồng.
Gia đình ông thường xuyên có 6 lao động và 20-30 lao động theo thời vụ, mỗi ngày công từ 80-100 ngàn đồng/người. “Làm giàu không chỉ nghĩ đến bản thân, có điều kiện nên giúp đỡ mọi người, ấy là cái giàu nhân nghĩa”, ông Bửu bộc bạch. Nhiều người dân cho biết, gia đình ông thường hay giúp đỡ, thăm hỏi bà con chòm xóm khi có ai đau ốm...
Tuy đã gần 60 tuổi, nhưng trông ông Bửu vẫn khỏe khoắn. Theo ông: “Người chăm sóc cây cũng như bác sĩ chăm sóc người bệnh, phải tỉ mỉ, cần mẫn và quan trọng là có một tấm lòng”.
Phương Tấn
.
.
Con đường làm giàu của một nông dân
Thứ Ba, 14/07/2009, 14:44 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.