.
CÔNG TY CP NHỰA VIỆT THÁI

Vượt qua khó khăn

.

Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 là quãng thời gian đầy khó khăn, biến động đối với các DN, trong đó có các DN sản xuất kinh doanh sản phẩm nhựa. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, Công ty CP Nhựa Việt Thái (tên cũ là Công ty TNHH SX-TM-XD Phát Thành) cũng đã phải vất vả chống chọi với nhiều thử thách và đã vượt qua được khó khăn, thành công trong kinh doanh.

Sản phẩm ghế nhựa của công ty.

Ông Châu Văn Phát, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: Trong thời gian qua, Nhựa Việt Thái đã mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị tiên tiến hiện đại, không ngừng cải tiến và hoàn thiện các sản phẩm cả về chất lượng và mẫu mã công nghiệp. Sản phẩm của công ty giờ đã có mặt ở hầu hết khu vực miền Trung-Tây Nguyên, một số tỉnh phía Bắc, và còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Hằng năm, doanh thu đạt trên 35 tỷ đồng.

So sánh với những năm gần đây, hiện nay sản phẩm của công ty làm ra tăng 300%.  Điều đáng nói là công ty đã thành công trong việc phát triển và bảo toàn vốn, tiếp tục giữ được nền tài chính lành mạnh, không phát sinh công nợ khó đòi, mặc dầu năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 đi qua với rất nhiều bài học về quản lý rủi ro tài chính doanh nghiệp. Ông Phát khẳng định, bước sang năm 2009, công ty tiếp tục định hướng phát triển bằng những sản phẩm có thế mạnh của mình là hàng gia dụng, khuôn in gạch, bình nước đóng chai…

Bên cạnh đó, kết hợp gia công cho các công ty lớn như Đồng Tâm. Tuy nhiên, ông cũng cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành nhựa là thiếu nguồn nhân lực. Nhựa Việt Thái cũng rất lúng túng trong việc tuyển dụng cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề, bởi hiện nay chưa có một trung tâm hay một trường nào đào tạo nhân lực bài bản cho ngành nhựa.

Dự báo những tháng còn lại của năm 2009 sẽ còn nhiều khó khăn với diễn biến phức tạp của suy thoái kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cả, thị trường, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, Nhựa Việt Thái đang cố gắng giảm thiểu tối đa các khoản chi phí. Mặt khác, do thị trường có nhiều biến động nên đã đặt công ty trước yêu cầu phải đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh doanh với khả năng cạnh tranh, linh hoạt theo thị trường. Đây chính là chìa khóa quyết định sự thành công của công ty trong thời gian qua.

Hiện tại, thách thức lớn nhất đối với các DN nhựa nói chung, Nhựa Việt Thái nói riêng là việc cung cấp nguyên liệu phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu và sự biến động liên tục về giá nguyên liệu. Khi nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của các DN nhựa. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về mặt hàng nhựa ngày càng quyết liệt cả trên thị trường trong nước lẫn thị trường thế giới.

Trong khi đó, sự phát triển của các DN nhựa không theo quy hoạch tổng thể, mà còn mang nặng tính tự phát. Các nhà đầu tư tư nhân thường tập trung sản xuất những mặt hàng ăn khách, nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau, gây lãng phí về vốn và ít hiệu quả kinh tế.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.