.

Doanh nghiệp nhỏ vươn ra biển lớn

.

Quận Cẩm Lệ hiện nay có trên 500 DN quy mô vừa và nhỏ. Số DN chuyên làm hàng xuất khẩu (XK) đếm được trên đầu ngón tay: dưới 10 DN. 2 trong số đó chuyên may gia công quần áo, trang phục; 2 làm gỗ; 1 sản xuất dây, bao nhựa polyme và 2 DN làm hàng thủ công mỹ nghệ.

Làm chổi đót xuất khẩu.

Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là các nhóm hàng công nghiệp XK chủ lực như may mặc, giày da... bị tác động lớn bởi khủng hoảng tài chính thế giới và suy giảm kinh tế toàn cầu. Song, có những DN đã tìm được lối đi riêng, đứng vững trước sóng gió thị trường. Đó là những DN XK mặt hàng thủ công mỹ nghệ một trong 10 mặt hàng XK tiềm năng của Việt Nam. Trên địa bàn Cẩm Lệ có 2 DN như vậy, đã mở ra cho người dân nơi đây làm giàu từ những sản phẩm thủ công bình thường.

Chiếc đàn Nhật Bản

Khu vực Phong Bắc, phường Hòa Thọ Tây từng có nhiều hộ kinh doanh, chế biến gỗ và các sản phẩm bằng gỗ. Đến nay, một số hộ đã phát triển thành DN, vẫn sản xuất gỗ phục vụ các công trình, các mặt hàng mộc dân dụng như bàn, ghế, tủ... đáp ứng thị trường tại địa phương và trong nước. Người dân khu vực Phong Bắc ít ai nghĩ rằng sẽ có ngày đời sống của họ được cải thiện hơn bằng nghề làm đàn XK, mà lại là một loại đàn của nước ngoài. Đó là chiếc đàn tam nguyệt - đàn 3 dây của Nhật Bản.

Vào năm 2000, Công ty TNHH Phước Hùng đóng tại tổ 27 phường Hòa Thọ Tây là DN chuyên sản xuất gỗ, mộc dân dụng và thầu thi công các công trình xây dựng. Mỗi công trình đều cần khối lượng lớn gỗ rừng. Trong khi đó, gỗ ngày càng khan hiếm. Việc sử dụng nhiều gỗ lại vô tình thúc đẩy hoạt động khai thác, tàn phá rừng. Điều này làm người kinh doanh băn khoăn.

Cũng trong năm ấy, lần đầu tiên công ty nhận được đơn đặt hàng của một đối tác Nhật thông qua một công ty xuất nhập khẩu ở Đà Nẵng. Đơn đặt hàng đặc biệt này là 50 chiếc đàn Nhật Bản. Lần đầu tiên, bàn tay thợ mộc dân dụng xoay xở với một vật dụng gắn liền thú chơi thanh tao của người Nhật Bản vốn nổi tiếng khắt khe. Từ đơn đặt hàng thử nghiệm đầu tiên 50 chiếc, sang năm 2001, công ty tiếp tục nhận đặt hàng 100 chiếc. Đến nay, bình quân mỗi năm, công ty xuất sang nước bạn khoảng 8.000 bộ đàn tam nguyệt. Đội ngũ công nhân đã lên đến 10 kỹ thuật và 50 lao động thủ công.

Từ một cơ sở chuyên làm mộc dân dụng trong nước chuyển sang làm hàng mỹ nghệ XK là bước ngoặt mới của một DN. Ông Lê Văn Chiến, người gắn bó nhiều năm với DN này cho biết, lúc đó đang băn khoăn với việc rừng bị tàn phá do sử dụng nhiều gỗ, anh Phước Cường - Giám đốc công ty- đã quyết tâm chuyển hướng SXKD. Sản xuất đàn có thuận lợi lớn là chỉ cần loại gỗ vườn như xà cừ, keo lá tràm...

Ông Lê Văn Chiến còn cho biết phải luôn nghiên cứu cải tiến, thay đổi mẫu mã sản phẩm. Cây đàn tam nguyệt có 3 bộ phận chính, gồm giá để đàn, tay cầm và bầu. Mỗi lần chào hàng, công ty đều cải tiến một vài chi tiết trên cây đàn sao cho bắt mắt hơn, đẹp hơn. Việc nghiên cứu nền văn hóa Nhật trong quá trình sản xuất cũng góp phần quan trọng vào hoạt động XK của DN.

Có thể thấy, khách Nhật rất khắt khe, sản phẩm của họ có độ bền rất cao, do vậy họ đòi hỏi tất cả các sản phẩm nhập khẩu phải luôn bảo đảm chất lượng. Điều này bắt buộc tất cả các công đoạn sản xuất phải chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Nếu không giám sát kỹ, quản lý không tốt và thiếu chiến lược kinh doanh, những nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ XK rất dễ bị thất bại.

Anh Nguyễn Phước Cường cho biết thêm: Thời gian vừa qua, biến động giá nguyên vật liệu, công lao động tăng có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, nhưng giá thành sản phẩm không tăng mà yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn. Tuy vậy, DN vẫn ổn định sản xuất nhờ luôn đặt tiêu chí uy tín và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, tạo được niềm tin của khách hàng. Người lao động vẫn có việc làm, ổn định thu nhập. Đó là điều đáng mừng.

XK chổi đót

Gia công đàn xuất khẩu.

 

Nếu XK đàn được xem là mặt hàng thủ công mỹ nghệ thanh tao, thì trên địa bàn quận Cẩm Lệ có một mặt hàng dân dã, được xếp vào hạng “thứ cấp” đã được XK. Đó là chiếc chổi đót. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa từ quận Hải Châu đã đến tổ 25 phường Hòa Thọ Tây lập cơ sở sản xuất chổi đót XK vào năm 2002. Chị chọn chỗ này đơn giản vì lúc đó giá đất vừa túi tiền. Chị lấy tên Phong Bắc đặt tên cho công ty. Vậy là Công ty TNHH một thành viên Phong Bắc ra đời.

Trao đổi với chúng tôi, chị cho biết nhiều năm qua không dám nhận lời mời dự bất cứ một cuộc triển lãm, hội chợ nào, bởi lẽ năng lực sản xuất không thể đáp ứng thêm các đơn đặt hàng mới do thiếu lao động. Nói đến làm chổi, dường như mọi người, nhất là những người lao động trẻ tuổi, đều cho đây là nghề thứ cấp, hàng thứ cấp nên rất ít mặn mà. Năm 2007, công ty có phối hợp với Hội LH Phụ nữ ở địa phương mở lớp dạy nghề làm chổi đót cho khoảng 100 chị em.
 
Tuy nhiên, sau khi học việc, đa số người trẻ tuổi không chọn làm nghề này, một số chị về mở cơ sở làm tại nhà, chỉ còn 17 chị tiếp tục gắn bó với công ty. Hiện nay, công ty chỉ có khoảng 60 lao động, chủ yếu là các chị lớn tuổi, muốn tuyển thêm công nhân để mở rộng sản xuất nhưng rất khó.

Mặt hàng chổi đót từ Công ty TNHH một thành viên Phong Bắc đã có mặt ở nhiều thị trường như Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia... Thông qua các trang web mua bán trên mạng Internet, nhiều đơn đặt hàng yêu cầu bán chổi đót cho họ. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường nhưng DN gặp phải khó khăn thiếu lao động.

Chị Thoa cho rằng, tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua không tác động nhiều đến hoạt động của DN. Có chăng là đơn đặt hàng giảm sút một phần, điều này lại giúp DN giảm bớt căng thẳng sản xuất, giãn bớt nhịp lao động. Có vẻ như trái ngược với tình hình khó khăn chung, nhưng thật ra, theo chị Thoa, chổi là loại hàng rẻ tiền, một vật dụng bình thường nhưng không thể thiếu trong mỗi căn nhà. Vì vậy, dù khó khăn bao nhiêu thì người ta vẫn cần đến chổi.

Qua câu chuyện XK chổi đót, chúng tôi nghĩ rằng, nếu có đầu óc kinh doanh cộng với sự tinh tế trong cách nghĩ, cách làm, những sản phẩm bình dị trong cuộc sống có thể trở thành hàng XK, thành một nghề làm giàu được và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở vùng ven đô, nông thôn, những người lao động có trình độ thấp.
 
Tuy nhiên, trên con đường “vươn ra biển lớn”, DN vừa và nhỏ quận Cẩm Lệ đang vấp phải nhiều vướng mắc không dễ gì tháo gỡ được. Đó là sự hạn chế về vốn, về nguồn lao động, chiến lược kinh doanh... Việc mở rộng SXKD gần như rất khó, trình độ quản lý DN hạn chế. DN không thể đáp ứng được những đơn đặt hàng số lượng lớn. Những đơn đặt hàng XK của đa số cơ sở đều nhất thời, cầm chừng, thiếu ổn định. Và những DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng không nằm ngoại lệ.

Theo Bộ Công thương, hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta chưa mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, thu hút lượng lớn người lao động và góp phần xóa nghèo ở các địa phương.

Đây là một trong những ngành hàng được coi là mũi nhọn để tập trung phát triển XK trong giai đoạn 2008-2010 với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD vào năm 2010. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển, các DN XK hàng thủ công mỹ nghệ cần nghiên cứu phong tục, tập quán tiêu dùng và yêu cầu của từng thị trường, lưu ý vấn đề bảo đảm thời gian giao hàng, duy trì chất lượng sản phẩm và cải tiến mẫu mã, đẩy mạnh khâu tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại. Đây cũng là những vấn đề mà các DN quận Cẩm Lệ đã và đang quan tâm.

Bài và ảnh: NGUYÊN THU

;
.
.
.
.
.