.

Giảm tải cho cầu Sông Hàn

.

Việc cầu Rồng vừa được khởi công xây dựng được kỳ vọng là giải pháp quan trọng để giảm tải cho cầu Sông Hàn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi cầu Rồng đưa vào sử dụng, ngay bây giờ rất cần những biện pháp kịp thời để giảm tải cho chiếc cầu huyết mạch nối đôi bờ Đông và Tây sông Hàn ở khu vực trung tâm thành phố.

Giao thông ở đầu cầu phía Tây cầu Sông Hàn cần tổ chức lại cho hợp lý hơn để hạn chế tình trạng ùn tắc trên cầu.

Theo ghi nhận của Phòng CSGT Công an thành phố, tình trạng quá tải trên cầu Sông Hàn đã trở nên trầm trọng thêm kể từ khi thời tiết bắt đầu bước vào mùa hè. Suốt 3 tháng qua, gần như ngày nào cầu Sông Hàn cũng xảy ra ùn tắc giao thông. Cá biệt, có những ngày ùn tắc giao thông xảy ra cả ba thời điểm trong ngày: buổi sáng từ 6 – 7 giờ, buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ và buổi chiều từ 17 giờ đến 19 giờ. Đặc biệt vào thời điểm từ 17 giờ đến 19 giờ, lượng xe ùn tắc trên cầu và tại đoạn đường Lê Duẩn-Trần Phú có lúc lên đến hàng nghìn chiếc.

Để giải quyết điểm ùn tắc giao thông này, lực lượng CSGT đã được tăng cường chốt trực hai bên đầu cầu, duy trì liên tục từ 5 giờ cho đến 21 giờ. Thế nhưng, trên thực tế sự có mặt thường xuyên của CSGT và TNXK chỉ có thể giảm bớt tình trạng ùn tắc chứ không thể giải quyết triệt để vấn đề. Có nhiều lúc phải dừng hoạt động đèn tín hiệu giao thông tại đây, thay vào đó CSGT phải ra giữa đường, điều tiết giao thông bằng cách hướng dẫn cho xe ô-tô không được lên cầu mà phải qua sông bằng cầu Nguyễn Văn Trỗi hoặc cầu Thuận Phước; hoặc chỉ cho lưu thông qua cầu một chiều.

Theo chúng tôi, ngành Giao thông Vận tải thành phố cần lập những biển hướng dẫn giao thông trên trục đường Nguyễn Tất Thành và Sơn Trà-Điện Ngọc, nhằm giúp cho những ô-tô không có nhu cầu đi vào trung tâm thành phố có thể từ đường Nguyễn Tất Thành đi qua cầu Thuận Phước để đi tiếp đường Ngô Quyền, hoặc đường Sơn Trà-Điện Ngọc và ngược lại. Như vậy sẽ hạn chế được lượng xe ô-tô qua cầu Sông Hàn.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền của quận Sơn Trà và đường Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn của quận Hải Châu cũng hết sức cần thiết. Qua tìm hiểu từ đội ngũ tài xế ô-tô, hầu hết đều cho biết, nếu đi từ trung tâm thành phố qua quận Sơn Trà đều thích đi qua cầu Sông Hàn hơn là cầu Nguyễn Văn Trỗi.
 
Ngoài việc phải đi xa hơn, còn một nguyên nhân nữa là tổ chức lưu thông trên đường Ngô Quyền rất phức tạp với sự lộn xộn giữa làn đường dành cho ô-tô và xe mô-tô. Trong khi đó, trên trục đường Trần Phú, Bạch Đằng, mật độ xe du lịch lưu thông rất cao nhưng lại thiếu những bảng hướng dẫn nên dẫn đến tình trạng xe quay đầu vô tội vạ, hoặc vừa chạy vừa hỏi đường, gây khó khăn không ít cho các phương tiện khác cùng lưu thông trên đường.

Về công tác điều tiết, hướng dẫn của lực lượng CSGT cần phải chủ động phân làn, không cho xe ô-tô chạy lên cầu…, thay vì khi xảy ra ùn tắc mới triển khai, vừa rất vất vả nhưng hiệu quả không cao. Đặc biệt, vào giờ cao điểm nên duy trì tổ CSGT và TNXK chốt ngay trên cầu, để giải quyết tình trạng nhiều người đứng tràn ra cả lòng cầu để chụp ảnh, cũng như giải quyết nhanh những vụ va chạm của các loại phương tiện giao thông (vốn rất hay xảy ra trên cầu thời gian gần đây), nhằm tránh dẫn đến ùn tắc ngay trên cầu.

Bài và ảnh: THANH VÂN


 

;
.
.
.
.
.