Theo số liệu của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tính đến cuối năm 2008, Đà Nẵng có 8.252 DNNVV, với tổng số vốn khoảng 15.462 tỷ đồng, bình quân 1,87 tỷ đồng/DN, tăng 13,1 lần về số doanh nghiệp và 102,7 lần về vốn so với năm 1997; tạo việc làm cho trên 97 nghìn lao động, nộp ngân sách tăng bình quân 22%/năm. Đặc biệt, DNNVV đã giải quyết 90% việc làm mới, là nơi đào tạo, ươm mầm những doanh nhân tương lai. Có thể nói vai trò của DNNVV đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế hiện tại, cũng như lâu dài.
Muôn vàn khó khăn
Cơ sở carton Thành Phát - một doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong việc đổi mới dây chuyền công nghệ mới nếu không được sự hỗ trợ của thành phố. TRONG ẢNH: Dây chuyền sản xuất carton mới công ty vừa đầu tư. |
Theo quy định thì hằng năm, các DN phải gửi báo cáo cho Sở Kế hoạch - Đầu tư và Cục Thống kê về tình hình hoạt động của mình, nhưng thực tế, chỉ có một số ít DN chấp hành, còn các DN không báo cáo cũng không có chế tài nào để xử lý, nên thực trạng hoạt động của DN thế nào Sở cũng không biết. Hội DNNVV là cơ quan đầu mối liên lạc giữa các DN với bên ngoài nhưng vì không có tiền nên việc hỗ trợ các DN cũng chỉ dừng lại ở mức độ tư vấn, cung cấp thông tin. Vì vậy, việc thu hút các hội viên cũng hạn chế và Hội cũng không có số liệu chính xác về DN, lao động, v.v...
Thực trạng phổ biến hiện nay ở nhiều DNNVV là phát triển từ quy mô nhỏ, quản lý ảnh hưởng nhiều theo phong cách gia đình. Chẳng hạn vợ, hoặc chồng làm giám đốc, con dâu, con gái làm kế toán trưởng, nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có, công nghệ lạc hậu. Thậm chí, có DN ra đời từ khởi nguồn là một mối quan hệ, khi quan hệ mất, DN cũng tự giải tán vì không còn việc làm, bản thân DN chưa đủ mạnh để tồn tại trong cơ chế thị trường.
Kết quả là trình độ quản lý không phát triển kịp theo sự tăng trưởng, quy mô mất kiểm soát, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định. Khi hội nhập quốc tế gặp khó khăn do các rào cản kỹ thuật về các tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu kỹ thuật. Khó nhất hiện nay của các DNNVV là thiếu thông tin, hoạt động xúc tiến thương mại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tiếp xúc với các nguồn vốn trong và ngoài nước để đổi mới công nghệ, thiết bị.
Ngay cả việc hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội (Đảng, Đoàn) trong các DNNVV cũng rất khó khăn. Ông Đỗ Đức Chính, Giám đốc Công ty THHH Ngọc Linh cho biết: Muốn phát triển Đảng cho lớp trẻ kế cận cũng rất khó khăn. Ông đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng để làm việc này nhưng chưa có cơ quan nào hướng dẫn, trả lời, kết quả là việc phát triển Đảng trong công ty không thực hiện được. Do không có các tổ chức chính trị xã hội trong các DNNVV nên quyền lợi của người lao động cũng không được bảo đảm.
Cần môi trường bình đẳng
DNNVV là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nhiều thành phần và đã có các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ DN phát triển. Nhưng thực tế các DNNVV ít nhận được sự hỗ trợ này. Gần đây nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng của Chính phủ, cũng như các nguồn vốn kích cầu, nhưng rất ít DNNVV tiếp cận được nguồn vốn này do những thủ tục, quy định của ngân hàng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng đáng chú ý là độ tin cậy của ngân hàng đối với các DN này không cao. Mặt khác, các DNNVV này thường thiếu thông tin về chế độ, chính sách, ít tìm hiểu để tận dụng các cơ hội hưởng các ưu đãi của Nhà nước.
Để tạo thuận lợi cho các DNNVV phát triển, cần phải có các giải pháp, chính sách đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, phải nắm được thực trạng hoạt động hiện nay của các DN để có các chính sách thỏa đáng. Cần tạo sự bình đẳng trong mọi mối quan hệ của các cơ quan chức năng đối với DNNVV, nhất là trong việc thông tin và tiếp cận các nguồn vốn, các chính sách của Nhà nước.
Có chính sách khuyến khích các DN đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động (được vay vốn ưu đãi hoặc giảm một số loại thuế trong một thời gian nếu DN sử dụng công nghệ mới hoặc công nghệ cao).
Khi xây dựng và ban hành các đề án và chính sách liên quan đến phát triển kinh tế của địa phương, nhất là ở khu vực dân doanh, lãnh đạo địa phương nên mở rộng sự tham gia đóng góp ý kiến của lực lượng này. Thành lập Trung tâm tư vấn hỗ trợ DN về chiến lược phát triển, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn để các DN tiếp cận các nguồn lực như vốn, công nghệ, năng lực quản trị, chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực…
Bài và ảnh: Đức Thịnh