Lộn xộn về chủng loại, bát nháo về chất lượng, lập lờ về nhãn mác, là những gì các phóng viên và Đoàn kiểm tra của Chi cục QLTT thành phố thấy được qua việc thị sát những cửa hàng kinh doanh, đại lý mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em trên địa bàn vào ngày 30-6, cận thời điểm Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực (1-7) đã quy định trẻ em trên 6 tuổi phải đội MBH khi tham gia giao thông.
Ngày đầu tiên kiểm tra đã có gần 10 loại MBH không đạt quy định về ghi nhãn hàng hóa. |
Khi các cán bộ của Chi cục QLTT có mặt tại cửa hàng T.V trên đường Trưng Nữ Vương, các mẫu MBH trẻ em được bày bán bình thường. Tuy nhiên, bằng các dấu hiệu nhận biết thông thường thì nhiều mẫu vi phạm về nhãn mác. Ông Hoàng Văn Vinh, Kiểm soát viên thị trường cho biết: Đã xác định ban đầu 7 mẫu MBH không đạt yêu cầu về ghi nhãn (chưa nói chất lượng).
Đó là những loại MBH dành cho trẻ em không ghi tên nhà sản xuất, địa chỉ, hoặc chỉ ghi xuất xứ tại Việt Nam, nhưng không có địa chỉ cụ thể nơi sản xuất. Mặt khác, tại cửa hàng này có một số mẫu MBH có ghi nhãn tiếng Trung Quốc, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Các mũ này hiện đang được niêm phong chờ kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng.
Chị P.T.T, chủ cửa hàng giải thích, hai đại lý kinh doanh MBH là T.D và T.H trên đường Hùng Vương thường xuyên bỏ MBH cho chị bán. Giá mỗi chiếc MBH cho trẻ chỉ từ 25-50 ngàn đồng/mũ, loại xịn nhất của Protex giá trên 100 ngàn đồng/chiếc. Vì các loại mũ tốt, giá cao không bán được nên chị lấy một số loại rẻ tiền này bán cho những người thích hàng rẻ.
Tại một số điểm kiểm tra khác trên địa bàn quận Thanh Khê và Hải Châu, nhiều cửa hàng không xuất trình được hóa đơn các lô hàng MBH. Chủ quầy hàng MBH không có tên trên đường Điện Biên Phủ (sát Công viên 29-3) cho rằng: “Khách hàng khi đến đây lựa MBH đều hỏi về giá cả chứ không hỏi chất lượng thế nào. Chúng tôi đưa ra loại mũ đắt tiền, giá cao gấp 2-3 lần thì họ không mua, mà chỉ ưa chọn mấy loại có giá bán từ ba chục, năm chục thôi...”.
Điều đáng nói, mặc dù có những cửa hàng vi phạm nhiều lần, đã bị lập biên bản xử phạt mấy ngày trước, nhưng hôm sau vẫn vi phạm. Khi chúng tôi hỏi vì sao đã từng bị xử phạt mà vẫn tiếp tục bán những loại MBH không đạt chỉ tiêu chất lượng và nhãn mác, chủ cửa hàng này thú thực: “Bán mấy hàng không hóa đơn chứng từ thì mới có lời.
Loại này ở trong TP. Hồ Chí Minh người ta đổ ra ào ào cả xe ô-tô, đầu nậu kinh doanh MBH chỉ chờ có vậy (mua được giá rẻ-PV) là chồng cả vài chục triệu đồng tiền hàng rồi tỏa về các tỉnh. Ngay như ở Đà Nẵng, có các chủ lớn chuyên lấy hàng chợ trời kiểu này về bỏ lại cho các cửa hàng bán lẻ nên giá rất rẻ, lấy vốn chỉ từ 15-20 ngàn đồng/chiếc”.
6 tháng đầu năm 2009, Chi cục QLTT đã kiểm tra 26 cơ sở kinh doanh MBH, nhắc nhở 20 cơ sở, xử lý 6 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 30 triệu đồng. Tịch thu tiêu hủy 69 MBH không đạt chất lượng. |
Ông Trần Ngọc Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi Cục QLTT thành phố cho biết, đợt ra quân kiểm tra lần này tập trung vào nhãn hàng hóa MBH trẻ em. Đối với mũ trong nước, nhãn phải có tên loại mũ, cỡ mũ, địa chỉ, xuất xứ của sản phẩm, nhà sản xuất, tiêu chuẩn của mũ.... Mũ nhập ngoại phải có dấu chứng nhận hợp quy bắt buộc. Đồng thời kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh MBH kém chất lượng... 6 tháng đầu năm 2009, Chi cục QLTT đã kiểm tra 26 cơ sở kinh doanh MBH, nhắc nhở 20 cơ sở, xử lý 6 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 30 triệu đồng. Tịch thu tiêu hủy 69 MBH không đạt chất lượng.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH