.

Kinh doanh trong ế, ngoài đắt

.

Là tình trạng của nhiều chợ hiện nay, khi việc buôn bán không được suôn sẻ như trước đây. Người kinh doanh một mặt phải chạy đua cạnh tranh với hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ; mặt khác lo tranh giành đối tượng khách hàng từ chính những người cùng “phường” với mình.

Trong bán gì ngoài bán nấy, người kinh doanh trong chợ chịu thiệt thòi vì đóng thuế cao.

Trong nhiều ngày qua, hàng chục chị em kinh doanh ngành hàng la-ghim tại chợ Đầu mối Hòa Cường có đơn phản ánh việc: BQL đã đưa ra quy định, ai đăng ký mặt hàng nào thì phải ra kinh doanh theo đúng ngành hàng đã đăng ký. Tuy nhiên, một số hộ bên ngoài chợ đã không theo đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến các hộ trong chợ. Cụ thể, trong nhà lồng chính giữa chợ bố trí cho ngành hàng la-ghim như cà-rốt, khoai tây, cà chua, chanh, hành tây… Khu này chuyên bán sỉ các mặt hàng vào thời điểm từ 2 giờ sáng đến cả ngày.

Phía nhà lồng bên ngoài chợ chỉ bố trí cho các hộ rau hành, nhưng thực tế do có nhu cầu, số hộ bên ngoài cũng kiêm luôn hàng la-ghim với số lượng lớn. Khách hàng trước đây là bạn hàng quen thuộc của các hộ la-ghim trong chợ, giờ đã quay sang mua bên ngoài, giá vừa rẻ vừa khỏi tốn công vào chợ. Chị Nguyễn Thị N, lô 350 tỏ ra bức xúc: “Hàng bán không được, để thì hư thối, đổ thì tiếc. Muốn trả lại mặt bằng nhưng lỡ đóng tiền rồi cũng đành bỏ trống. Ban ngày đã đành, chợ đêm mà ban đêm ế thê thảm vì ngoài nớ họ bán rẻ hơn chị em chúng tôi. Mà ngồi ngoài nớ đâu có phải đóng nhiều khoản thuế như trong nhà lồng”.

Theo tìm hiểu, đã có trên dưới 10 hộ kinh doanh trong nhà lồng đóng sạp nghỉ vì quá ế ẩm. Họ tìm cách thoát ra phía ngoài chợ để tiện việc bỏ sỉ hàng, nhưng vẫn tiếp tục đóng các khoản tiền của lô bên trong để giữ chỗ. Lâm vào tình cảnh đóng tiền sạp 3-4 triệu đồng từ hơn 2 năm nay, nhưng chị N.T.A, lô 437 vẫn không buôn bán gì vì không có lời. Chị cho rằng: “Ở trong bán hàng gì thì bên ngoài có y hàng đó, thậm chí còn nhiều hơn nữa thì tụi tui làm răng mà cạnh tranh cho lại”.

Chợ Đầu mối đã vậy, hàng chục chị em buôn bán ngành hàng gia vị, mùng mền, áo gối chợ Túy Loan, Hòa Vang cũng đang hết sức bất bình về việc mặt bằng bị bưng bít, không có chỗ ra vào cho người mua. Lực lượng bảo vệ chợ đã dẫn chúng tôi đi quan sát phía mặt tiền dẫn vào khu ngành hàng đồ khô. Lối đi chật, việc sắp xếp lô quầy thiếu tính khoa học là nguyên nhân dẫn đến việc người bán nhiều hơn người mua.
 
Bà Trần Thị H. bày tỏ: “Tôi không đồng ý với cách sắp xếp của BQL chợ, đáng lẽ ra lối vào ngành hàng này phải thông suốt từ ngoài vào trong, đằng này lại ngoằn ngoèo như nhà trong hẻm”. Cũng theo các hộ quầy hàng gia vị khác, “Chúng tôi bày hàng ra đây để canh chừng chuột chứ có ngày không kiếm được đồng lời. Hai lô mặt tiền bên ngoài chuyên bán trái cây, nay họ chuyển sang bán gia vị trước mặt chúng tôi thì tụi tui ở trong ai mà vô nữa”. Chợ Túy Loan có thời điểm gần 50% số hộ kinh doanh đóng sạp vì ế ẩm, phần do sức mua hạn chế của người dân, phần vì thiết kế của chợ không phù hợp với công năng sử dụng, đường đi ngõ lại cứ rối tung.

Chợ trong nội thành như chợ Cồn, dù Công ty Quản lý chợ, BQL chợ đã nâng cấp nền chợ, đầu tư cho trang trí biển hiệu, bảng giá, bàn inox cho các lô quầy thịt nhưng sức mua không tăng là mấy do hiện nay có quá nhiều điểm chợ tự phát bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, lô hàng thịt cho biết:

Trước đây, trung bình một ngày chị bán tới 70-80 kg thịt heo, nhưng hiện tại chỉ còn một nửa, do khách hàng lười vào chợ vì đi làm về thì mua ngay trên đường. Một số chợ Hòa Khánh, Khu B siêu thị, tiểu thương cũng không chịu nổi với tình hình kinh doanh như hiện nay. Dù muốn hay không thì “gạo đã nấu thành cơm”, tiểu thương ở lại cũng không xong, ra ngoài cũng không được, chỉ còn cách cầm cự vì miếng cơm manh áo hằng ngày của gia đình.

Chợ chật, người đông, hàng hóa nhiều, nhu cầu phục vụ tận… răng, khiến chợ tự phát mọc lên như nấm, quầy sạp dựng ra tận lòng đường. Sự tiện lợi đã khiến người mua bán ít vào chợ hơn, dẫn đến tình cảnh: Tiểu thương bên trong ế ẩm, người buôn bán bên ngoài đắt hàng. Lâu nay, chợ ăn theo chợ vẫn mọc lên. Mọc rồi lại dẹp, dẹp xong lại mọc, nay đuổi chỗ này, mai chạy chỗ khác cứ theo cái vòng luẩn quẩn hết năm này sang năm khác.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.