Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thành phố tích cực hỗ trợ hội viên sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Ngày càng có nhiều hộ nông dân nghèo vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng trên các lĩnh vực sản xuất.
Dạy nghề sản xuất nấm cho nông dân phường Hòa Phát - mô hình sản xuất phù hợp với nông dân vùng tái định cư. |
Ông tìm đến Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố xin tài liệu và được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại rau, đậu, bắp, mía...; tìm đến những hộ nông dân làm ăn có hiệu quả ở địa phương để nhờ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Từ đó, ông áp dụng vào sản xuất và đã thành công, mỗi năm có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Thời gian gần đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố, ông trồng và nhân giống thành công tre măng điền trúc, chỉ riêng khoản này mỗi năm ông có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo, có điều kiện nuôi 2 con ăn học và được bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã.
Cùng ở thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc có anh Hoàng Hữu Lập, nổi tiếng trong phong trào trồng rừng, chăn nuôi với mô hình VAR. Anh Lập xuất thân từ một lâm tặc trở thành vua trồng rừng và là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Từ Thanh Hóa vào Hòa Bắc lập nghiệp, với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, lúc đầu cũng như bao người khác, anh tham gia vào đội quân “phá rừng” trong nhiều năm liền, nhưng cuối cùng vẫn hai bàn tay trắng, vẫn trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó.
Anh quyết chí làm ăn, từ bỏ nghiệp phá rừng và được Hội Nông dân thành phố cho vay 6 triệu đồng. Từ đồng vốn này, hai vợ chồng anh nuôi heo, gà, nấu rượu, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, quay vòng vốn có hiệu quả. Sau một thời gian, cuộc sống tạm ổn định, anh mở rộng sản xuất, nuôi dê, bò và trồng rừng theo mô hình VAR. Đến cuối năm 2006, gia đình anh đã thoát nghèo. Chỉ tính riêng thu nhập từ nuôi heo, gà, dê, bò... mỗi năm đem lại cho anh hơn 50 triệu đồng; với 30ha keo lá tràm, chỉ hơn 1 năm nữa anh sẽ là tỷ phú nông dân ở xã Hòa Bắc. Qua 10 năm lao động, phấn đấu vươn lên, nay gia đình anh đã thoát nghèo bền vững.
Anh Nguyễn Quốc Cường ở phường Hòa Khê (Thanh Khê), người nổi tiếng với nghề nuôi cá lóc. Thực hiện Chỉ thị 12 của UBND thành phố về cấm chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trong nội thành, vợ chồng anh bắt tay vào cải tạo chuồng nuôi heo thành hồ nuôi cá lóc với 6 hồ nuôi gần 100m2, mỗi năm anh nuôi 12 nghìn con.
Chịu khó thức khuya, dậy sớm chăm sóc, cộng với sự tính toán hợp lý trong chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào, mang lại hiệu quả cao, mỗi năm gia đình anh có lãi từ 20 đến 30 triệu đồng. Hai vợ chồng anh thực sự thoát khỏi khó khăn, từng bước vươn lên làm giàu, hiện anh là thành viên của Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt nông dân quận Thanh Khê.
Ở thôn Nhơn Thọ, xã Hòa Phước (Hòa Vang), một vùng đất khô cằn và bạc màu, có ông Nguyễn Văn Quân, học hỏi kỹ thuật trồng hoa và đã thành công với các loại hoa cúc vàng, cúc pha lê, hoa hồng, hoa ly ly, mỗi năm có lãi khoảng 60-70 triệu đồng; không những thoát nghèo, ông còn tạo việc làm cho 5-7 lao động tại địa phương.
Kinh nghiệm thoát nghèo của các hộ nông dân vừa nêu trên trước hết là phải biết được những cây, con dễ nuôi, dễ trồng, chắc ăn, lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa tích lũy vốn và kinh nghiệm, có quyết tâm cao, ý chí để vượt qua đói nghèo, chống tâm lý tự ti, ỷ lại. Phải được bồi dưỡng, tập huấn để có kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, sử dụng lao động có hiệu quả, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng của gia đình, môi trường sinh thái tại địa phương, sản phẩm phải có thị trường tiêu thụ. Trong các yếu tố đó, ý chí và năng lực vượt đói nghèo vẫn là hàng đầu.
Bài và ảnh: KIM DŨNG