.

Kinh tế thành phố 6 tháng đầu năm 2009: Có dấu hiệu phục hồi

.

Bước vào triển khai thực hiện kế hoạch năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sự suy thoái ngày càng sâu của kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa xuất khẩu, thị trường vốn và hoạt động du lịch của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Daiwa - một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại KCN Hòa Khánh làm ăn có hiệu quả và thu hút nhiều lao động.    Ảnh: ĐỨC THỊNH

UBND thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong nước, ngoài nước và đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,1%, thấp hơn cùng kỳ năm 2008, nhưng có 6 trong số 10 chỉ tiêu chính tăng so với cùng kỳ năm 2008, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như:

GTSX công nghiệp - xây dựng ước đạt 6.415,8 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch, tăng 0,7%; GTSX thủy sản - nông - lâm ước đạt 400 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch, tăng 4,7%; GTSX dịch vụ ước đạt 3.730,7 tỷ đồng, đạt 45,5% kế hoạch, tăng 9% so với 6 tháng đầu năm 2008. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như kim ngạch xuất khẩu ước đạt 362,7 triệu USD, đạt 33,3% kế hoạch, giảm 5,8%; trong đó xuất khẩu hàng hóa giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2008.

Để cùng DN ổn định SXKD, lãnh đạo thành phố đã làm việc với trên 50 DN lớn thuộc các ngành hàng chế biến thủy sản, dệt may, giày da, sắt thép về tình hình SXKD, khả năng tiếp cận các chủ trương của Chính phủ như hỗ trợ lãi suất, miễn-giảm- giãn-điều chỉnh thuế suất và kéo dài thời gian nộp thuế, phí để hỗ trợ DN giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay từ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố.
 
Thành phố đã tích cực chỉ đạo SXKD, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, cùng với sự nỗ lực phát triển của các thành phần kinh tế nên GTSX công nghiệp quý 2 có xu hướng tăng so với quý 1 và đang có dấu hiệu phục hồi. Một số DN đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, SXKD, tổ chức được thị trường ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng như Công ty CP Cao su Đà Nẵng (GTSX tăng 17% so với cùng kỳ 2008), Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (tăng 40%)…
 
Một số DN đang triển khai mở rộng quy mô sản xuất trở lại như Công ty Đồ chơi trẻ em Associated, Công ty Daiwa, Công ty Mabuchi Motor (giai đoạn 2); DN ngành thép mới đầu tư, bắt đầu thúc đẩy SX như Công ty CP Thép Đà Nẵng - Ý, Công ty CP Xuân Hưng. Một số ngành hàng đã có tăng trưởng như sản xuất thực phẩm ước tăng 5%, thiết bị điện 4%.

Tuy nhiên, tình hình SX công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi và tăng tưởng còn chậm. Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất tuy đã giúp DN giảm chi phí, hạ giá thành SX, song năng lực SX hạn chế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nên DN vẫn đứng trước khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu biến động, nguồn nguyên liệu khai thác khó khăn... nên nhiều DN chưa mạnh dạn vay vốn. Một số DN tuy đã nỗ lực tổ chức lại thị trường, SX, song vẫn chưa ký được hợp đồng tiêu thụ dài hạn và đã làm ảnh hưởng đến giá trị SX một số ngành hàng.

Dự báo đến cuối năm 2009, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng chưa thể hồi phục nhanh, vì vậy, tình hình SX công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi và tăng trưởng còn chậm. Một số dự án triển khai chậm so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng dự kiến giảm như hàng dệt may ước giảm 17,8%, thủy sản ước giảm 20% do thiếu năng lực tài chính để mua nguyên liệu.
 
Vì vậy, nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm rất khó khăn, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế như Nghị quyết của HĐND thành phố đề ra cho năm 2009 như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 11,5-12%, GTSX công nghiệp - xây dựng tăng 14,5-15%, GTSX các ngành dịch vụ tăng 13,5-14% và kim ngạch xuất khẩu tăng 20-21% so với năm 2008 là khó thực hiện. Do vậy, việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế cho phù hợp với tình hình thực tế để có các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết, đồng thời thành phố sẽ triển khai một số giải pháp đang tỏ ra có hiệu quả, góp phần phục hồi nền kinh tế.

Công ty Sông Thu đóng các loại tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển.

 

Trong đó có các giải pháp quan trọng như: triển khai thực hiện hiệu quả gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ để hỗ trợ DN và ngăn chặn suy giảm, khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Tăng cường hỗ trợ các DN nhằm vượt qua khó khăn, thúc đẩy SXKD và đầu tư. Tiếp tục thực hiện rà soát các dự án, đối thoại với các DN, qua đó có cơ sở hỗ trợ kịp thời, phù hợp cho các đơn vị có năng lực cao để tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
 
Khuyến khích những DN đã đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong năm 2008 và đầu năm 2009 đẩy mạnh sản xuất. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên thị trường trong nước và ngoài nước, giúp DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích DN phát triển về quy mô và chất lượng dịch vụ nhằm chủ động giữ vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước, đồng thời hỗ trợ DN xúc tiến, mở rộng và khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và lựa chọn các đồng ngoại tệ thanh toán đa dạng để tránh rủi ro.
 
Khuyến khích các dự án đầu tư công trình xây dựng cơ bản và người dân tiêu dùng, sử dụng hàng nội địa. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đi đôi với tăng cao vốn thực hiện, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để một số dự án lớn đã đăng ký sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng. Đẩy mạnh xúc tiến các dự án mới, khuyến khích các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư mới, đầu tư mở rộng để đón cơ hội, không rơi vào thế bị động sau khủng hoảng.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.