.

Mua hàng qua mạng: Cần thận trọng

.

Không cần phải đến siêu thị, cửa hàng hay chợ, người mua hàng chỉ cần lên mạng, vào các trang web mua bán như: www.sieuthinhanh.com; www.123mua.com.vn; www.choviet.com.vn; www.ebay.vn; www.muabanonline.vn... thực hiện vài cú nhấp chuột, là dễ dàng tìm mua được những món hàng ưng ý. Chợ trên mạng rất phong phú, có cả đồ gia dụng, điện máy, xe máy, ô-tô, linh kiện máy móc, máy ảnh kỹ thuật số, văn phòng phẩm, đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ...

Bạn trẻ thích mua sắm trên mạng hơn là đến siêu thị, cửa hàng (ảnh mang tính minh họa).

Phương thức mua hàng qua mạng ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Tuy nhiên, ngoài những tiện ích của một phương thức mua bán thương mại hiện đại, mua hàng qua mạng vẫn còn những điểm khiếm khuyết, mà đáng quan tâm nhất là chất lượng hàng hóa. Bởi người tiêu dùng rất dễ bị lừa, do khó xác định được tính chân thực của thông tin trên mạng, nên vẫn cần thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán.

Anh Đức Sơn ở quận Thanh Khê - người có thâm niên trong việc mua bán trực tuyến - cho biết: Để mua bán trực tiếp trên mạng, trước hết cả người mua lẫn người bán phải cung cấp số tài khoản, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ để giao dịch.

Thông thường sau khi xem hàng, người mua thấy thích thì chuyển tiền vào tài khoản người bán, sau đó người bán chuyển hàng qua bưu điện cho người mua. Với việc mua bán này, người mua cần có sự hiểu biết khá rộng về sản phẩm khi mua hàng trực tiếp, vì thông tin hàng hóa chỉ được xem qua mạng, và căn cứ vào lời nói, hình ảnh sản phẩm, nên chất lượng thế nào rất khó thẩm định.

Đã có nhiều trường hợp mua hàng qua mạng, khi sử dụng được vài tháng là bị hỏng hóc, không sửa được. Cũng có những người bán chịu trách nhiệm bảo hành, nhưng trên thực tế, việc bảo hành này cũng không đáng tin cậy do không có phiếu bảo hành.

Chị Hoài Thương, “nạn nhân” của việc mua bán qua mạng cho biết: “Tôi lên mạng tìm mua một máy ảnh kỹ thuật số hiệu Canon, sau khi khảo sát vài địa chỉ, tôi thấy hài lòng với 1 máy có giá 8 triệu đồng, ghi còn mới 95% và mới sử dụng được 2 tháng. Tuy nhiên, khi mua về sử dụng được vài hôm, tôi thấy máy có biểu hiện khác, màu không chuẩn, nét bị nhòe, đem đến tiệm sửa mới biết mình mua phải hàng kém chất lượng”. 

Cùng hoàn cảnh đó, anh Tú Khanh, nhân viên một công ty chứng khoán cho biết: Là “dân chơi” điện thoại di động, nên anh tìm mua chiếc điện thoại di động Nokia Mercedes-Benz chính hãng trên mạng. Sau khi trao đổi về món hàng và giá cả khá kỹ càng, người bán cũng đã cung cấp đầy đủ họ tên, số chứng minh nhân dân, số tài khoản, anh quyết định chuyển số tiền 2,1 triệu đồng vào tài khoản của người bán. Vậy nhưng tiền chuyển đã lâu mà vẫn chưa nhận được hàng, anh gọi điện lại theo số điện thoại hai bên từng giao dịch thì “số máy này hiện không liên lạc được”. Anh định đi báo công an, nhưng thấy số tiền mất không nhiều và chi phí theo kiện có khi còn nhiều hơn số tiền đã mất nên đành thôi.

Đó là chưa kể đến các trường hợp bị lừa do “cò” thực hiện. Hiện nay, trên mạng còn có nhiều nhà sản xuất cũng tham gia bán hàng trực tuyến. Chính vì vậy, các “cò” cũng nhanh chóng tham gia thị trường này, đặc biệt là các dịch vụ mua bán xe máy, ô-tô, máy ảnh kỹ thuật số…
 
Để tìm hiểu vấn đề này, người viết đã lên mạng thử tìm mua xe máy và đã tìm ra đến 5 địa chỉ, có cùng một số điện thoại và rao bán 5 chiếc xe máy chính chủ khác nhau từ Lead đến Wave, Jupiter MX, Future, Attila trên những trang mua bán trực tuyến khác nhau. Vậy liệu người này có phải chính chủ của 5 chiếc xe trên không? Để thử lại, người viết vào những tin đăng rao bán xe khác cũng đều cho kết quả tương tự. Cá biệt, có số điện thoại đăng bán đến vài chục chiếc xe chính chủ khác nhau. Hóa ra đây là những chiêu lừa của các “cò” đăng tin để lùng người mua, người bán, và mua đi bán lại nhằm kiếm lời.

Phải thừa nhận rằng, ưu điểm lớn nhất của việc mua hàng qua mạng là tiện lợi, giá cả rẻ hơn, đôi lúc mua được các món hàng rẻ, độc. Song việc mua bán qua mạng rất khó kiểm soát do ở Việt Nam chưa có sự giám sát, quy định cụ thể về việc mua bán trong môi trường trực tuyến. Hơn nữa, người mua, người bán thường không lấy đúng tên khai sinh khi tham gia giao dịch.

Ngoài ra, phần lớn thông tin được đăng tải tự do, miễn phí và không có cơ sở xác định tính chân thực của thông tin. Theo anh Đức Sơn, kinh nghiệm mua hàng qua mạng là phải tìm hiểu kỹ người bán, yêu cầu người bán cung cấp các thông tin như: số điện thoại, nickname, email… sau đó tra cứu thông tin này trên Google. Nếu gặp một người dùng nhiều số điện thoại, hoặc nhiều nickname hay email có thể là “cò”, nên thận trọng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.