Chỉ cần có nửa tiền hoặc 1/3 số tiền trị giá của các mặt hàng từ máy vi tính, tủ lạnh, bếp ga, nồi cơm điện… đến xe máy “xịn”, người tiêu dùng có thể “ôm” ngay về nhà thông qua việc mua hàng trả góp. Tuy nhiên, nếu không tính toán cẩn trọng trước khi mua, rất có thể người tiêu dùng sẽ bị thiệt trăm bề, thậm chí vớ phải hàng kém chất lượng.
Cửa hàng xe máy đua nhau bán trả góp
Các cửa hàng kinh doanh xe máy bán hàng trả góp luôn thu hút được đông đảo người tiêu dùng. |
Theo chủ một cửa hàng kinh doanh xe máy trên đường Tôn Đức Thắng, kể từ khi thực hiện chương trình bán hàng trả góp, doanh thu của cửa hàng tăng gấp 6 lần so với thời điểm chưa thực hiện chương trình này. “Trung bình một ngày, lượng xe bán trả góp tại cửa hàng hơn 50 chiếc, còn bán theo kiểu “tiền ngay thóc thật”, lượng xe chẳng đáng là bao!”, chủ cửa hàng nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại thủ tục mua hàng trả góp xe máy đã được đơn giản và thuận lợi rất nhiều cho khách hàng mua xe “thiếu tiền”. Nếu lúc trước, các cửa hàng quy định mua xe trả góp phải có hộ khẩu, chứng minh nhân dân tại Đà Nẵng và trả trước 50% giá trị chiếc xe, thế nhưng tại thời điểm này, chỉ cần khách hàng trả trước 30% giá trị, số tiền còn lại phải trả được nới rộng thời gian từ 2-3 năm.
Với hình thức bán xe trả góp, thoạt nghe có vẻ tiện lợi cho những người chưa có đủ tiền mua xe, tuy nhiên nếu khách hàng không tính kỹ, sẽ bị thiệt trăm bề, bởi tiền lãi hằng tháng phải trả không thấp chút nào. Theo khảo sát của chúng tôi, những người mua xe trả góp thường rơi vào các đối tượng công nhân, buôn bán nhỏ, sinh viên mới ra trường… mong muốn có được chiếc xe máy để thuận lợi cho việc “kiếm cơm”.
Thế nhưng có mua xe trả góp mới biết, người tiêu dùng bị “thiệt đơn, thiệt kép”. Chị Vân, trú tại phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu) mua trả góp chiếc xe máy Click tại một cửa hàng trên đường Phan Châu Trinh than vãn: “Giá như ngày đó không mua xe trả góp thì bây giờ đỡ thiệt hơn 4 triệu đồng rồi.
Lúc tôi mua chiếc xe này theo hình thức trả góp, giá 28 triệu đồng (chủ cửa hàng bao làm giấy tờ). Theo hợp đồng, tôi phải đóng trước 50% giá trị của chiếc xe (tức 14 triệu đồng), số tiền còn lại sẽ trả trong vòng 14 tháng, mỗi tháng trả gần 1,3 triệu đồng. Với mức lãi này, so với giá bán xe thanh toán một lần bằng tiền mặt ngay tại cửa hàng, đã đắt hơn 4 triệu đồng”.
Theo tìm hiểu, tại một số cửa hàng bán xe máy trả góp trên các tuyến đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Tôn Đức Thắng... mức lãi suất mà người mua xe trả góp phải gánh chịu khá cao so với lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay tại các ngân hàng. Tại một cửa hàng bán xe máy trả góp trên đường Phan Châu Trinh, khi chúng tôi hỏi về thủ tục mua xe trả góp cho chiếc xe máy mang nhãn hiệu Lead, nhân viên cửa hàng này nói: Anh chỉ cần có hộ khẩu tại Đà Nẵng là “OK”.
Theo cách tính của nhân viên này, nếu mua xe máy Lead ở thời điểm hiện nay giá 34,2 triệu đồng (tùy màu xe), khách hàng chỉ phải trả trước 30% giá trị chiếc xe (tức 12,5 triệu đồng), số tiền còn lại phải trả 21,7 triệu đồng trong vòng 24 tháng, mỗi tháng trả hơn 1,4 triệu đồng. Với cách tính lãi như trên, khách hàng phải gánh chịu thêm một khoản tiền lãi tương đối lớn.
Coi chừng bị hớ!
Những người mua hàng trả góp đối với xe máy đại đa số ít “đụng” phải hàng kém chất lượng và giá cả, tuy nhiên chịu thiệt về lãi suất thì không phải người tiêu dùng nào cũng nhận ra. Không chỉ có các mặt hàng xe máy được các cửa hàng thực hiện “chiêu” bán hàng trả chậm nhằm kích cầu tiêu dùng, mà hiện các mặt hàng như máy vi tính, ti-vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp ga cũng được áp dụng “chiêu” này.
Tuy nhiên, nếu khách hàng mua những mặt hàng trên không cẩn trọng sẽ bị hớ về giá, thậm chí “ôm” phải hàng kém chất lượng. Anh Bình, một công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh cho biết: Đầu năm 2008, nghe bạn giới thiệu mua ti-vi trả góp, anh đã quyết định “tậu” chiếc ti-vi trị giá 3,2 triệu đồng. Theo anh Bình, khi giao hàng, anh phải trả trước 1,6 triệu đồng, số còn lại được trả góp trong vòng 10 tháng, mỗi tháng 160 nghìn đồng. Thế nhưng khi ký xong hợp đồng và cầm sản phẩm, anh Bình mới bị hớ vì chiếc ti-vi đó được bán trên thị trường với giá có 2,6 triệu đồng.
Theo một số DN chuyên bán hàng trả góp, khi có nhu cầu mua hàng trả góp, người tiêu dùng nên bỏ chút thời gian đến một vài trung tâm mua sắm, tìm hiểu giá cả những mặt hàng tương tự, ghi giá cụ thể ở từng nơi để so sánh với các cửa hàng bán hàng trả góp, đặc biệt phải xem kỹ mức lãi suất có phù hợp hay không, rồi mới quyết định ký hợp đồng mua - bán. Như vậy, nếu cửa hàng đó bán với giá cao, người tiêu dùng cũng dễ dàng phát hiện, và khi đó không cần phải tính toán nhiều, họ vẫn có thể biết được mua hàng theo hình thức trả góp mình được lợi gì.
Bài và ảnh: Trọng Hùng