(ĐNĐT) - Các ngân hàng thương mại ở Đà Nẵng đã giải ngân cho vay theo gói kích cầu của Chính phủ với số tiền gần 8.000 tỷ đồng, nhưng trong đó ngư dân mới vay được dưới 700 triệu.
Ngư dân Đà Nẵng đang rất cần được vay nguồn vốn ưu đãi lãi suất của Chính phủ để đóng mới, cải hoán tàu thuyền nhằm tiếp tục vươn khơi, bám biển. |
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho hay từ đầu năm 2009 đến nay, TP đã phân bổ trên 3,6 tỷ đồng cho các quận, huyện để hỗ trợ ngư dân đóng mới, mua mới tàu cá, thay máy tàu, mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu… theo Quyết định 289 của Chính phủ. Năm 2008, TP cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân theo quyết định nêu trên với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP chiếm 50%, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%.
Thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, ngư dân TP có 2 kênh có thể được vay vốn ưu đãi hỗ trợ lãi suất để phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là vay vốn lưu động ngắn hạn để sản xuất kinh doanh với thời hạn hỗ trợ lãi suất là 8 tháng theo Quyết định 131/TTg. Kênh thứ hai là vay vốn trung, dài hạn để đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh với thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa 24 tháng theo Quyết định 443/TTg. Cả hai nguồn vay này đều được hưởng lãi suất 4%.
Điều kiện để được vay vốn theo các kênh này là ngư dân phải có thế chấp bằng tàu, bằng tài sản hoặc bằng tài sản được hình thành từ vốn vay để đầu tư. Nếu những ngư dân có uy tín với ngân hàng, vay trả bình thường thì có thể chỉ cần tín chấp để vay.
UBND TP Đà Nẵng đã giao cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai việc cho ngư dân vay theo chủ trương nêu trên. Nếu khi tiếp cận với các ngân hàng thương mại khó khăn thì ngư dân có thể liên hệ trực tiếp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP. Đà Nẵng để được tư vấn, hướng dẫn vay vốn.
Tuy nhiên, đến nay ở quận Thanh Khê chỉ mới có 4 hộ ngư dân vay với số tiền 440 triệu, trong khi quận Sơn Trà cũng mới có 4 hộ vay với số tiền 230 triệu theo các kênh vay vốn này. Nguyên nhân dẫn tới việc số tiền vay được hỗ trợ lãi suất của ngư dân còn thấp như vậy là do phần lớn ngư dân đang mắc nợ ngân hàng nên không được giải ngân cho vay tiếp.
Ở quận Thanh Khê có 574 hộ ngư dân, trong đó có 35 hộ đang vay ngân hàng với số vốn 4 tỷ đồng, nhưng đã có 20 hộ với số vốn vay 2,5 tỷ đồng hiện đã quá hạn không trả được cho ngân hàng. Ở quận Sơn Trà có hơn 4.000 hộ ngư dân, trong đó có 950 hộ đang vay ngân hàng với số vốn 12 tỷ đồng, nhưng có đến 900 hộ đã quá hạn vẫn chưa trả được cho ngân hàng số vốn vay 9 tỷ đồng.
“Đây là trở lực khiến ngân hàng không giải ngân cho nhiều hộ ngư dân vay tiếp trong thời gian vừa qua vì họ phải thực hiện nguyên tắc bảo toàn vốn. Trước thực tế này, UBND TP cũng đang tính để cùng với các địa phương xem xét, tìm cách làm việc với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn”, ông Võ Duy Khương nói.
Theo ông Trần Văn Hào, Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản của Đà Nẵng đạt 21.600 tấn, bằng 56,2% kế hoạch năm. Trong đó, nghề cản đạt 11 – 16 tấn/tàu/chuyến biển từ 17 - 20 ngày, câu mực đạt 1,4 - 2 tấn/đêm, nghề vây đạt 14 - 20 tấn/chuyến biển từ 14 - 18 ngày. Các nghề khác ven biển như te ruốc, lưới rê… cũng đều đạt sản lượng khá.
Hiện ngư dân Đà Nẵng, đặc biệt là ngư dân các tàu đánh bắt xa bờ, đang rất cần được vay vốn ưu đãi để đầu tư chuyển đổi ngành nghề, nhất là chuyển từ nghề câu mực hiện đang gặp nhiều rủi ro và nghề giã cào mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang nghề vây, cản và các nghề khác hiệu quả hơn.
Muốn chuyển một tàu câu mực sang nghề lưới cản phải mất từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng để thay giàn lưới, muốn cải hoán một tàu 40CV lên thành tàu đánh bắt xa bờ phải cần từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng, nâng công suất tàu từ 20CV lên 40CV cần 60 - 70 triệu đồng; nhưng trên thực tế, theo quyết định 289 thì Chính phủ chỉ hỗ trợ có 10 triệu đồng nên ngư dân đang rất khó khăn. Chưa kể hiện giá dầu đã lên lại (12.500 đồng/lít so với trước đây chỉ 10.300 đồng) nhưng chính sách hỗ trợ về xăng dầu theo Quyết định 289 của Chính phủ chỉ thực hiện trong năm 2008.
Vì vậy, ông Trần Văn Hào kiến nghị lãnh đạo TP nếu có điều kiện thì tiếp tục hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân trong năm 2009 theo quy định của Quyết định 289. Đồng thời có thêm chính sách ngoài chính sách của Trung ương để hỗ trợ các tổ khai thác xa bờ có thể vay vốn đóng mới và cải hoán tàu thuyền, hỗ trợ các thiết bị bảo quản sau khai thác…
Cẩm An