.

Nuôi hải sản biển: Được ít, mất nhiều

.

Nuôi hải sản biển là hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, hoạt động này gây ô nhiễm môi trường vùng biển gần bờ, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch...

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Liên doanh nuôi trồng hải sản biển

Cảnh nhếch nhác của lồng bè nuôi hải sản biển.

Việt -Nhật, sau đó là Công ty TNHH Đông Hải đã triển khai nuôi hải sản biển ở khu vực gần bờ sát chân núi Sơn Trà. Thời kỳ cao điểm, DN này có 4 dãy bè với 72 lồng nuôi, mỗi năm đạt sản lượng hàng chục tấn hải sản như cá mú, cá hồng, tôm hùm...
 
Tiếp theo đó, nhiều hộ nông dân ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng đầu tư nuôi trong nhưng với quy mô nhỏ hơn. Vào giữa năm 2008, 7 hộ dân từ Thanh Hóa cũng “nhảy dù” xuống vùng biển gần bờ ở phường Thọ Quang đầu tư đóng 7 bè nuôi khá quy mô. Đến nay, trên vùng biển thuộc địa phận phường Thọ Quang có khoảng 100 bè nuôi, chủ yếu tập trung ở vịnh Mân Quang.

Nhận định về hiệu quả kinh tế, các chủ bè nuôi đều cho rằng: Ít có hoạt động nào cho thu nhập cao và ổn định như vậy. Đầu tư 100 triệu đồng cho một bè nuôi 4-6 lồng, thả nuôi 30 triệu con giống, sau một năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Cũng vì hiệu quả kinh tế hấp dẫn mà hoạt động nuôi hải sản tự phát tại Đà Nẵng phát triển. Mặc dù thành phố chủ trương không khuyến khích phát triển, nhưng số bè cứ tăng dần theo từng năm.
 
Do đó, quận Sơn Trà đã triển khai việc giải tỏa các lồng bè nuôi trồng hải sản để hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi cho du lịch biển phát triển. Thế nhưng, việc giải tỏa không hề đơn giản. Một chủ bè có thâm niên nuôi hơn chục năm ở gần cầu Mân Quang cho hay: Không ít lần chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ bè, song vì mưu sinh nên tôi quyết bám trụ.      

Hiện nay, cầu Thuận Phước đã được lưu thông, khách đi đường dễ nhận thấy hàng chục bè nuôi hải sản ở Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang tựa như những căn nhà chồ nhếch nhác trên sông. Đối với khu vực phía đông bán đảo Sơn Trà, nơi có 7 lồng bè của cư dân Thanh Hóa và một số hộ dân phường Thọ Quang, việc nuôi hải sản biển gây nguy hại cho rạn san hô phía dưới.

Theo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, chất thải từ quá trình nuôi hải sản làm cho các rạn san hô không phát triển. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến việc bảo tồn các rạn san hô quý, phục vụ cho hoạt động du lịch lặn biển hiện tại và sau này. Không những vậy, các lồng bè nuôi hải sản ở khu vực gần bờ gây cản trở cho các hoạt động du lịch biển như lướt sóng, chạy xuồng cao tốc…

Vừa qua Sở NN&PTNT có kiến nghị UBND thành phố quy hoạch phát triển vùng nuôi hải sản biển, nhưng không được chấp nhận. Như vậy, sự tồn tại các bè nuôi hải sản biển thuộc địa bàn phường Thọ Quang coi như đã định đoạt, chỉ cần thời gian. Tuy nhiên, dù có chủ trương không cho phép nuôi hải sản biển bằng lồng bè, song do thiếu kiên quyết trong xử lý nên số bè phát sinh nhiều như hiện nay.

Vấn đề đặt ra là làm sao giải tỏa số bè nuôi hải sản biển hiện nay khi mà các hộ nuôi đã đầu tư vốn cùng phương tiện sản xuất. Trước mắt, chính quyền các cấp cần có kế hoạch rõ ràng cho việc giải tỏa, gia hạn thời gian để người nuôi không thả thêm con giống, qua đây người dân có điều kiện thu hoạch lượng cá nuôi hiện có. Đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi hải sản biển chuyển đổi ngành nghề, sớm ổn định đời sống.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.