Đô thị đang tiến về các làng quê. Đất canh tác bị thu hẹp. Các khu phố mới khang trang, chủ nhân là những người vừa bước ra từ đồng ruộng. Vẫn còn đó không ít khó khăn, song nhịp sống sôi động ở đô thị buộc họ phải tìm cách để thích nghi. Và những người một thuở tay lấm chân bùn đã và đang thành công trong quá trình chuyển từ nhà nông thành thị dân.
Những ngôi nhà mới ở khu dân cư Tân Trà. |
Đường đi lối lại trong thôn xóm chỉ cát và cát, có chăng một vài trục đường chính bê-tông hóa nhờ đầu tư của trên. Hệ thống điện lưới tạm bợ. Đất canh tác nhiều nhưng kém màu mỡ, không chủ động nước tưới, dẫn tới thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Nhiều dự án phát triển kinh tế đã triển khai nhưng kết quả chẳng đáng là bao. Hễ nắng lên là đồng ruộng khô hạn, mưa xuống ngập lụt. Quanh năm tảo tần một nắng hai sương, thế mà ít gia đình có đời sống khá giả.
Nay về An Nông, Tân Trà, ai cũng ngỡ ngàng trước khu đô thị mới khang trang bề thế mà chủ nhân là những nông dân một thời lam lũ với đồng ruộng. Tại đây, không chỉ cơ sở hạ tầng hoàn thiện mà kết cấu đường sá theo kiểu bàn cờ nên nhà ai cũng ở mặt tiền đường phố. Hầu hết nhà xây 2-3 tầng, kiến trúc trang nhã. Mới ngoài 30 tuổi, vợ chồng anh Lê Quang Một đã có ngôi nhà 2 tầng mặt phố, vốn đầu tư ngót 400 triệu đồng.
Không giấu nổi niềm vui, anh Lê Quang Một cho biết: Không giải tỏa đền bù, không thể có cơ hội đổi đời như thế này. Trước đây sản xuất nông nghiệp đủ ăn là may lắm, nói chi chuyện xây nhà. Nay nhà ai cũng đổi đời. Có hộ đất đai nhiều, được bán 2-3 lô đất ở. Chỉ riêng khoản chênh lệch giá cũng dư sức xây nhà tầng. Hồi chưa giải tỏa, vất vả quanh năm mà ít khi dư dả. Hai vợ chồng sản xuất 3 sào ruộng, thời gian rỗi còn đi làm thợ xây mà cũng chỉ đắp đổi qua ngày”. “Lô đất mặt tiền đường 5,5m như nhà anh, giá Nhà nước 180 triệu đồng. Ai nộp ngay còn được giảm. Còn hiện tại giá thị trường trên 500 triệu đồng”, anh Một cho biết thêm.
Gia đình anh Mai Ưu, ở tổ 54, sau giải tỏa nhận hơn 700 triệu đồng tiền đền bù và được bán 3 lô đất chính. Số tiền đó, ông xây ngôi nhà 2 tầng rất đẹp và mua nhiều đồ dùng gia đình đắt tiền. Ông Ưu tâm sự: Hồi chưa giải tỏa, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không đủ ăn. Sản xuất nông nghiệp tuy ổn định nhưng thu nhập thấp. Nếu không giải tỏa, đời sống người dân có đổi thay nhưng rất chậm.
Hơn 160 hộ nông dân ở Tân Trà, An Nông đã có đời sống khá giả hơn. Tuy mới hình thành, song hoạt động thương mại dịch vụ ở khu phố mới này khá sôi động. Lao động trẻ đa số đã tìm được việc làm. Người đi làm thợ xây, người vào làm ở các cơ sở sản xuất đá. Chỉ có lao động lớn tuổi hơi khó khăn, nhưng nhiều người gửi tiết kiệm, lãi suất đủ chi tiêu hằng ngày.
Ông Huỳnh Bá Quang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hải cho biết: Trước đây ở Hòa Hải có 378ha đất canh tác. Hiện nay chỉ còn 70ha. Hơn 800 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi. Sau giải tỏa, việc làm là vấn đề được Đảng bộ, chính quyền và các hội đoàn thể địa phương đặc biệt quan tâm. Bên cạnh sự hỗ trợ của trên, sự vận động của từng hộ có ý nghĩa quyết định.
Nhiều gia đình đã tự tìm hướng đi cho mình. Chưa có thống kê chính thức, hiện tại ước trên 50% lao động nông nghiệp đã kiếm được việc làm mới, đa số chuyển sang làm thợ xây. Nghề này đang hồi việc cần người, thu nhập khá nên dễ thu hút lao động dôi dư. Cũng từ đó, đời sống các hộ giải tỏa sớm ổn định.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU