Chưa đầy nửa năm đưa vào sử dụng, hàng chục hộ kinh doanh trái cây tại khu E chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) buộc phải “tháo chạy” ra ngoài kinh doanh. Vì sao?
Do buôn bán ế ẩm, các hộ kinh doanh trái cây tại khu E xin ra ngoài kinh doanh. |
Nhưng do việc thiết kế khu E chưa được hợp lý, dãy ngoài đã có gần chục hộ bán trái cây bao bọc, nên việc kinh doanh luôn trong cảnh “người bán thì nhiều, khách mua chẳng có”. Chị T, một hộ kinh doanh bức xúc cho biết: “Hồi đó không có tiền, tụi tui phải chạy vạy đi vay ngân hàng, hoặc vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để mong muốn có nơi kinh doanh ổn định.
Nhưng rồi cuối cùng buôn bán ở đây thu nhập cũng không hơn chi hồi bán hàng rong ngoài lề đường như trước đây”. Cùng hoàn cảnh như chị T, hàng chục tiểu thương kinh doanh mặt hàng hoa quả tại khu E cũng rơi vào cảnh “bỏ mất tiền cọc, ở chẳng xong”. Chị Lan, chủ lô số 11 nói: Khi khu E chưa xây dựng, ít nhất chúng tôi cũng còn có nơi để bán hàng. Giờ bỏ ra 28 triệu đồng để được bố trí vào khu vực kinh doanh được thiết kế không có đường vào cho khách mua hàng, thử hỏi ai còn làm ăn gì được?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu E được đầu tư xây dựng hạ tầng khá rộng và khang trang. Tuy nhiên, có ít lối vào và quá chật hẹp. Một bất cập nữa khiến việc kinh doanh ế ẩm là do phía trước mặt tiền khu E cũng được BQL chợ bố trí ki-ốt cho các hộ kinh doanh trái cây, hai bên là hai dãy nhà cho thuê cắt tóc, gội đầu. Ngoài ra, số hộ bán hàng rong, quán cóc “mọc” lên xung quanh ngày một nhiều làm lấp lối vào khu E.
Vì những lý do trên, nên sau gần 7 tháng vào khu chợ này kinh doanh, hầu hết các tiểu thương buộc phải “xin phép” BQL chợ ra ngoài dựng tạm lều buôn bán, và hy vọng BQL sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ cho các tiểu thương. Trong khi tiểu thương đang mong mỏi chờ BQL tìm ra giải pháp tháo gỡ, thì họ lại tiếp tục gặp khó khi BQL chợ vẫn thu phí tiểu thương tại khu E đã ra ngoài kinh doanh “Do việc kinh doanh ế ẩm nên tụi tôi làm đơn tạm xin ra ngoài kinh doanh để BQL tìm giải pháp tháo gỡ, đáng lẽ ra việc thu phí vệ sinh, phí an ninh, thuế… ở trong khu E phải miễn giảm, chứ đằng này BQL thu cả phí trong khu E và phí bán hàng rong nữa”, một tiểu thương kinh doanh cho biết.
Đem những bức xúc của các tiểu thương đến lãnh đạo BQL chợ, ông Nguyễn Trà, Trưởng BQL các chợ quận Liên Chiểu cho biết: Việc xây dựng khu E chợ Hòa Khánh nhằm quy hoạch và bố trí tất cả các hộ kinh doanh ngành hàng trái cây vào đây buôn bán. Sau khi xây dựng xong, BQL đã kêu gọi các tiểu thương ngành hàng hoa quả vào trong khu vực này buôn bán.
Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị chu đáo về mặt tổ chức, hơn nữa, các tiểu thương chưa có kinh nghiệm buôn bán tập trung nên dẫn đến thực trạng trên. Hiện tại, BQL đã đồng ý cho 15 hộ ra bên ngoài kinh doanh trong vòng 3 tháng và chờ sự chỉ đạo từ chính quyền địa phương. Khi chúng tôi hỏi: “Vậy tại sao BQL chợ vẫn thu phí các hộ kinh doanh tại khu E khi họ đã ra ngoài kinh doanh?”, ông Trà nói rằng: “Theo quy định, các hộ kinh doanh tại khu E vẫn phải đóng phí, trừ trường hợp họ làm đơn xin nghỉ hẳn không bán hàng tại đây nữa”.
Trước mặt tiền khu E cũng được BQL chợ bố trí ki-ốt cho các hộ kinh doanh ngành hàng trái cây. |
|
“Hiện địa phương đang bố trí khu vực để xây dựng ki-ốt thuận lợi, sau đó sẽ chuyển các hộ kinh doanh trái cây tại khu E vào khu vực mới. Riêng khu E, địa phương sẽ chỉ đạo BQL chợ Hòa Khánh xem xét bố trí các hộ kinh doanh đồ bành vào khu vực này, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè tại khu vực chợ Hòa Khánh”, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG