.
Bán hàng đa cấp: Vẫn lách luật phỉnh dân

Kỳ 2: Muốn bán hàng, phải “xoay” tiền

.

Muốn tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp (BHĐC), người tham gia phải mua hàng hóa có giá cao, với tổng số tiền lên tới vài triệu. Và để “giúp” những người cả tin có đủ số tiền đó, các “chuyên gia” BHĐC bèn bày họ cách “xoay” tiền.

        >> Kỳ 1:  Lập lờ đánh lận... người tiêu dùng

Đặt cọc mà không phải đặt cọc

Mạng lưới bán hàng đa cấp được ông Lê Văn Diêu, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương Đà Nẵng ví như mô hình bàn tay, với nhiều cấp phân phối và trả hoa hồng theo nhiều bậc.

Dù vẫn bảo đảm theo quy định của pháp luật về BHĐC: “Không bắt buộc người tham gia mạng lưới đặt cọc tiền”, nhưng các công ty TNMU và Vi. vẫn có cách khiến các thành viên “đặt cọc”… đúng luật. Theo đó, muốn tham gia làm nhà phân phối, mỗi người phải mua hàng với một số tiền được ấn định. Cụ thể như tại TNMU, mỗi người cần tích lũy 2 triệu PP (đây là cách tính của TNMU, tương đương với 3 triệu đồng – PV), còn tại Vi. là 2,8 triệu đồng cho 8 lọ thực phẩm chức năng.

Các nhân viên của TNMU giới thiệu: công ty này kinh doanh các mặt hàng áo ngực phụ nữ, điện máy, máy ozon và thực phẩm chức năng..., với giá từ 60 nghìn đồng đến vài triệu đồng. Sau khi mua đủ số hàng 3 triệu đồng, thành viên này trở thành chuyên viên kinh doanh (CVKD). Nếu giới thiệu thêm được 3 người khác vào mạng lưới, CVKD được hưởng hoa hồng từ các cấp dưới. Tiếp theo, CVKD được thăng cấp thành tổ trưởng, phó phòng, trưởng phòng kinh doanh, đổng sự vinh dự, v.v... tùy theo số lượng người tham gia vào mạng lưới được chuyên viên này giới thiệu.

Thù lao được tính theo 5 bậc. Điều này đồng nghĩa với việc phần  trăm hoa hồng sẽ tăng chóng mặt ở mức “không giới hạn”. Vì theo thuyết giảng viên của TNMU, ngoài 36% hoa hồng “trực tiếp, gián tiếp”, còn có các khoản “phần trăm vinh dự, lợi nhuận, lãnh đạo mạng lưới”. Bằng cách “ăn” phần trăm vô tận như vậy, tại buổi hội thảo của công ty này (chúng tôi tham dự hội thảo trong vai những người cần việc - PV), thuyết giảng viên oang oang đưa ra những mức lương cao ngất ngưởng mà người tham gia sẽ đạt tới, từ 10 đến vài chục triệu đồng/tháng (?!).

Trên thực tế, nhiều công ty BHĐC không cần người tham gia phải mua hàng trước. Chẳng hạn như công ty Av., một doanh nghiệp BHĐC chuyên cung cấp mỹ phẩm, chỉ yêu cầu người tham gia ký hợp đồng và không cần mua trước bất kỳ sản phẩm nào. Người này sẽ mang catalouge đi chào hàng, rồi trở về công ty mua sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách, với số lượng tùy thích, không ép buộc.

Hạ giá thành sản phẩm hay nâng giá lên trời?

Theo nguyên lý hoạt động của BHĐC, các sản phẩm sẽ đi trực tiếp từ người bán đến người mua. Bỏ qua các khâu trung gian, quảng cáo, BHĐC làm giảm giá thành sản phẩm, giúp người tiêu dùng mua sản phẩm với mức giá thấp nhất. Tuy nhiên, những sản phẩm được chào bán tại TNMU và Vi. đều có giá rất cao.
 
Giá bán sỉ một lọ thực phẩm chức năng 30-60 viên của Vi. chỉ hơn 300 nghìn đồng, nhưng trong bảng giá bán lẻ, sản phẩm được chào bán tới gần 600 nghìn đồng/lọ. Tương tự, các sản phẩm của TNMU đều có giá bình quân khoảng 1 triệu đồng, chỉ mỗi dầu gội là có giá tương đối thấp, 60 nghìn đồng/chai. Điều này được ông Lê Văn Diêu, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Đà Nẵng) giải thích: “Chúng tôi cho rằng, nếu không bán giá cao như vậy, thì tiền đâu để các công ty đó trả phần trăm cho những người tham gia mạng lưới?”.

Trong khi đó, cũng là công ty BHĐC, nhưng Av., với mức hoa hồng chia cho nhà phân phối chỉ từ khoảng 5 - 25%, nhiều sản phẩm của nơi này được bán ra với giá thấp nhất chỉ 35 nghìn đồng, còn các sản phẩm khác đều có giá “sàn sàn” trên 100 nghìn đồng.

Khi chúng tôi thắc mắc với anh Đ.H.B, trưởng phòng ruby của TNMU: “Tại sao cùng một loại sản phẩm (khác nhà sản xuất), mà giá ngoài thị trường của các mặt hàng trên thấp hơn nhiều, chỉ bằng 20-30% giá ở đây?”, anh này vội trợn mắt: “Căn cứ vào đâu mà cho là đắt? Tôi hỏi ngược lại chị, vì sao hoa hậu lại có giá hơn người bình thường?”.

Bày cách “xoay” tiền

Lấy lý do đang thất nghiệp, không thể kiếm được số tiền 3 triệu mua hàng, mặc dù rất muốn tham gia vào mạng lưới, chúng tôi xin anh Đ.H.B tư vấn cách có tiền. Anh Đ.H.B nói liến thoắng: “Thì về xin, vay ba mẹ. Nếu ba mẹ em không có, thì cả họ nhà em cũng có. Không dám đầu tư 3 triệu thì cả đời em cứ nghèo mãi, không bao giờ khá nổi. Có nhục cũng nhục một lần”.

Một thành viên khác của mạng lưới TNMU, tên S., sau khi tư vấn về sản phẩm cho một cô gái trẻ đến từ Túy Loan đang có ý định trở thành chuyên viên kinh doanh, liền hỏi: “Vậy bây giờ em sẽ xoay như thế nào để có 3.110.000 đồng cho đủ điểm vào mạng lưới?”. Thấy cô gái trẻ lúng túng, chị này chỉ dẫn: “Nếu em về nhà nói: “Ba má ơi, ba má cho con 3 triệu đồng. Một năm sau, con kiếm được 10 triệu”, ba mẹ em sẽ không tin vì cả đời làm nông đâu biết trên đời lại có cách kiếm tiền nhanh dữ vậy. Nên em hãy nói: “Con đang hùn tiền kinh doanh với một người bạn ở phố. Ba má cứ cho con 3 triệu đồng và đừng hỏi gì thêm, cứ cho đi đã, hồi con thành công rồi sẽ rõ”. Trong trường hợp gia đình không cho tiền vì nghi ngờ, em cứ dẫn cả ba má lên công ty. Tới đây sẽ có người giới thiệu cụ thể. Nhanh nhanh lên...”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG -THU HOA

Kỳ tới: BHĐC đã hiện rõ những điểm bất hợp lý và những biểu hiện không trung thực. Song, tại sao hoạt động này vẫn tồn tại và phát triển không ngừng? Theo đánh giá của nhiều người dân, cơ quan chức năng đã “làm ngơ”, buông lỏng quản lý. Sự thực ra sao?

;
.
.
.
.
.