Trong hai bài vừa rồi, chúng tôi đã nêu rõ những điểm bất hợp lý và những biểu hiện không trung thực của một số công ty bán hàng đa cấp (BHĐC). Song, tại sao hoạt động này vẫn tồn tại và phát triển không ngừng? Theo đánh giá của nhiều người dân, cơ quan chức năng đã “làm ngơ”, buông lỏng quản lý. Sự thực ra sao?
>> Kỳ 2: Muốn bán hàng, phải “xoay” tiền
>> Kỳ 1:Lập lờ đánh lận... người tiêu dùng
Biết là lách luật, vẫn không thể bắt
Bằng cách đưa ra các quảng cáo hấp dẫn của sản phẩm và các mức lương cao ngất nghểu, một số công ty BHĐC thu hút rất nhiều người tham gia hội thảo nghề nghiệp vào mạng lưới của mình. (Ảnh chụp phía trước công ty BHĐC TNMU). |
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Lê Văn Diêu, Trưởng phòng Quản lý thương mại – Sở Công thương Đà Nẵng cho hay: “Rõ ràng trong luật về BHĐC quy định: không được bắt người tham gia đặt cọc tiền, nhưng các công ty BHĐC đã lách bằng cách kêu người ta mua hàng với số tiền nhất định, cũng tương tự như đặt cọc mà không phải đặt cọc”.
Ngoài ra, nếu một người nào đó trong mạng lưới chịu thua thiệt từ việc tham gia mạng lưới BHĐC, cơ quan chức năng cũng khó lòng can thiệp. Bởi: “Can thiệp phải dựa trên cơ sở hợp đồng. Nhưng trong hợp đồng thường ghi rõ: được phép mua và trả hàng hóa, hưởng lương, hoạt động bán hàng, thời gian làm việc... là không sai luật”, ông Diêu chia sẻ thêm.
Việc kiềm chế hay quản lý giá đối với những mặt hàng kinh doanh BHĐC theo ông Diêu là không thể, vì các sản phẩm trên không nằm trong danh mục hàng thiết yếu. Hơn nữa, giá sản phẩm là do doanh nghiệp tự định ra và lưu thông theo sự thỏa thuận với người mua. Tuy nhiên, ông khẳng định việc chiêu dụ người tham gia bằng việc bày cách xoay tiền (như đã nêu trong bài trước) là hoàn toàn sai.
Người tiêu dùng phải thông thái
Theo thống kê của Sở Công thương Đà Nẵng, hiện có 7 doanh nghiệp BHĐC đang hoạt động trong tổng số 16 đơn vị thông báo BHĐC tại Đà Nẵng tính đến tháng 7-2009. 7 doanh nghiệp này chỉ mở chi nhánh ở Đà Nẵng, còn trụ sở chính đều nằm tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. |
Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: “Nếu sản phẩm của các công ty BHĐC có gì nổi trội, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, chúng tôi mới có thể thiết lập đội kiểm tra liên ngành công thương, y tế...”. Ông nhấn mạnh, chưa có cơ sở khoa học nào chứng tỏ áo ngực có thể làm thay đổi hình dáng ngực, chống ung thư; hoặc thực phẩm chức năng có thể giúp trẻ em dùng thay cho sữa, cá, thịt.
“Quảng cáo là quyền của doanh nghiệp. Nhưng không vì thế người tiêu dùng tin tưởng hoàn toàn vào điều họ nói. Cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin thêm về sản phẩm qua các phương tiện sách báo, Internet, bác sĩ...” - ông Chiến khuyến cáo.
|
Bài và ảnh: HẰNG VANG-THU HOA