.

Biến phế thải thành đô-la

.

Chỉ cần bỏ ra vài chục triệu đồng, các DN chế biến thủy sản sẽ có được công nghệ xử lý phế thải, không những hạn chế được ô nhiễm môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cao.

Sản phẩm của cô và trò

Cô Trần Thị Xô (bìa phải) và cô Đặng Thị Mộng Quyên đang thực nghiệm công nghệ sản xuất cá phế liệu trong chăn nuôi tôm tại Xí nghiệp Thủy sản và thực phẩm (Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước). (Ảnh nhân vật cung cấp).

Sau gần 10 năm nghiên cứu các chất xúc tác Enzyme, PGS-TS Trần Thị Xô hiện là giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã phân lập được một chủng vi khuẩn từ đầu tôm có khả năng phân giải protein cao… Cùng thời điểm này, cô Xô cũng hướng dẫn luận án thạc sĩ cho cô Đặng Thị Mộng Quyên (Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm) với đề tài Thức ăn chăn nuôi tôm, cá. Từ đây, hai cô - trò đã kết hợp để cho ra đề tài “Nghiên cứu tận dụng cá phế liệu để sản xuất phẩm dẫn mùi giàu đạm dùng trong thức ăn nuôi tôm, cá”.

“Ở nước ngoài, họ đã sản xuất thức ăn nuôi tôm từ các phế thải thủy sản để bán với giá rất cao cho người chăn nuôi ở Việt Nam, còn chúng ta thì phế thải đó không được xử lý tốt, vừa ô nhiễm môi trường, lại lãng phí. Vì sự bất cập này, nên chúng tôi đã bắt tay vào việc nghiên cứu chất xúc tác Enzym của vi khuẩn đã phân lập được bổ sung vào phế liệu thủy sản (đầu, xương tôm, cá), chúng sẽ tự tách phần thịt ra khỏi xương. Với phần thịt được cô đặc giàu chất đạm trộn với thức ăn cho tôm, phần xương được làm sạch, sấy khô, nghiền thành bột dùng cho chăn nuôi gia súc”, cô Xô cho hay.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài, 2 cô cũng vấp phải không ít khó khăn, từ việc tìm phế phẩm, cách thức pha chế để đạt tỷ lệ thích hợp cho ra sản phẩm… Vượt qua khó khăn, sau gần 1 năm, sản phẩm giàu chất đạm được chế biến từ phế thải cũng được đem ra thực nghiệm ở hồ nuôi tôm. “Sau khi lấy một phần thức ăn trộn với sản phẩm mới nghiên cứu ra và phần thức ăn trộn với cá của chủ hồ để vào hai chúm khác nhau, thì thấy số lượng đàn tôm bu đầy phần thức ăn được trộn với sản phẩm mới”, cô Xô cho hay.

Sản phẩm là dẫn mùi, giàu chất đạm dùng trong chăn nuôi tôm, không gây ô nhiễm với môi trường, lại có men tiêu hóa giúp tôm phát triển tốt ra đời. Với đề tài này, hai cô (cùng một sinh viên phụ trợ) đã nhận giải nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2005. Và cùng đó, cô Quyên cũng hoàn thành luận án thạc sĩ xuất sắc.

Lợi cả 2 mặt

Theo cô Xô, “công nghệ” sản xuất rất đơn giản với:  phế thải thủy sản, chủng vi khuẩn, thiết bị gia nhiệt, thiết bị cô đặc, dây chuyền sàng rung…, tổng kinh phí vài chục triệu đồng. Ngoài ra, thời gian sản xuất rất ngắn từ 14 - 15 giờ/mẻ, sản phẩm được bảo quản 3 tháng với ưu điểm là độ đạm cao, mùi hấp dẫn… Và công nghệ sản xuất này có thể áp dụng cho các nhà máy sản xuất thủy sản để xử lý ngay chất thải rắn và áp dụng cho các cơ sở nuôi tôm.

Giữa tháng 7-2008, Xí nghiệp Thủy sản và thực phẩm Đà Nẵng đã đề nghị hai cô chuyển giao công nghệ trị giá 80 triệu đồng, nhưng phải vượt qua “bài kiểm tra” thực nghiệm việc sản xuất thử 500kg ngay tại nhà máy này, nếu đáp ứng được thì chấp thuận. Sau thử nghiệm thành công, các cô đã đào tạo cán bộ của xí nghiệp cùng phương pháp pha chế, vận hành…
 
Nhìn nhận về lợi ích của đề tài, lãnh đạo Xí nghiệp Thủy sản và thực phẩm Đà Nẵng cho rằng: Mỗi năm, đơn vị tốn hàng tỷ đồng để đầu tư xử lý phế thải, mặc dù phế phẩm này được bán cho người chăn nuôi gia súc nhưng không tránh được việc gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi áp dụng công nghệ xử lý của PGS-TS Trần Thị Xô và thạc sĩ Đặng Thị Mộng Quyên nghiên cứu, việc xử lý phế thải của đơn vị đã mang lại lợi ích cả 2 mặt về kinh tế và hạn chế được ô nhiễm môi trường. Ưu điểm của công nghệ này là không có nước thải, sản phẩm được sản xuất từ phế thải, được người tiêu dùng chấp nhận vì hiệu quả của lợi ích kinh tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các cơ sở nuôi tôm đang phải nhập khẩu thức ăn từ các nước như Pêru, Mỹ, Nhật Bản… với giá gần 1 USD/kg, thì với công nghệ mà cô Xô và các đồng nghiệp nghiên cứu đã cho ra đời sản phẩm phục vụ cho ngành nuôi tôm với mức giá từ 5.000 – 8.000đồng/kg, và điều quan trọng là chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu.

T.Hùng - A.Cường

;
.
.
.
.
.