Với khoảng 300 dòng sản phẩm sữa trên thị trường Việt Nam hiện nay đang được quảng cáo với những ngôn từ hết sức hấp dẫn như: giúp tăng chiều cao vượt trội, tăng sức đề kháng, phát triển não bộ thông minh hơn, học giỏi hơn… thật khó để các bà mẹ nhận biết đâu là loại sữa phù hợp với con mình và túi tiền?
Lại chuyện sữa thông minh
Không nhất thiết cứ mua sữa đắt tiền là tốt. |
DHA, ARA, SA là những dưỡng chất được quảng cáo giúp phát triển não, hệ thống thần kinh và thị giác, tăng cường khả năng miễn dịch… Khi Mead Johnson quảng cáo sữa có DHA cao gấp 4 lần và thêm ARA giống như sữa non (sữa đầu tiên của người mẹ) thì DHA và SA có trong Friso của Dutch Lady cũng được quảng cáo cho là quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ, nucleotides giúp tăng cường sức đề kháng, prebiotic kích thích tiêu hóa và hấp thu thông qua quá trình kích thích các vi khuẩn có ích… Sữa Nan của hãng Nestlé có Lactogen giúp bé ăn vào mát và không bị táo bón.
Lactobacillus tăng cường vi khuẩn tốt, hoạt động như tấm lá chắn để bảo vệ từ bên trong và giúp tăng cường hệ miễn dịch… DHA, lecinin và lá cỏ ngọt là thành phần chính của Chongmyungtang trong sữa XO (Hàn Quốc) giúp bé phát triển thông minh vượt bậc, hệ cơ xương vững chắc và cao lớn vượt trội… Những quảng cáo kiểu này dễ gây tin tưởng tuyệt đối cho các bà mẹ, khiến họ không thể không lựa chọn.
Nhiều bà mẹ đành “thắt lưng buộc bụng” để mua sữa ngoại giá cao cho con. Thực tế, không phải chỉ người giàu mới mua sữa đắt tiền, mà các bà mẹ mặc dù đời sống còn rất khó khăn cũng chắt bóp để mua sữa ngoại cho con. Nắm bắt được yếu tố tâm lý này, các hãng sữa bột nước ngoài liên tục đẩy giá sản phẩm lên cao.
Theo các bác sĩ dinh dưỡng thì một đứa trẻ muốn phát triển tốt, không nhất thiết phải uống nhiều sữa và uống sữa ngoại. Một đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng hài hòa, hợp lý với đầy đủ chất, không mắc các loại bệnh tật. Quan trọng hơn, trẻ phải được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh, được rèn luyện thể lực và trí tuệ, chứ không phải cứ uống sữa đắt tiền là thông minh.
Sữa chỉ là thức uống bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, sữa có tốt hay không còn phụ thuộc vào chất lượng do nhà sản xuất cung cấp. Mới đây, tại Đà Nẵng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả khảo sát 10/20 mẫu (chiếm 50%) tại TP. Hồ Chí Minh không đạt tỷ lệ đạm như công bố, 6/12 mẫu (chiếm 30%) có tỷ lệ đạm rất thấp, 4/20 mẫu (chiếm 20%) tỷ lệ đạm cực thấp, dưới 2%, một mẫu đạm 0,5 trên nhãn ghi 24%.
Nên chọn sữa nào?
Thị trường sữa Việt Nam có hơn 300 dòng sản phẩm, nhưng lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu; còn hơn 70% là nhập khẩu, trong đó hơn 50% là nguyên liệu và 22% là sữa thành phẩm từ hơn 200 DN nhập khẩu. Những số liệu trên cho thấy, thị trường sữa Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào thị trường nước ngoài từ số lượng, chủng loại mặt hàng đến giá cả, phương thức mua bán.
Từ đó đã tạo ra một thị trường cạnh tranh không nhỏ. Người tiêu dùng khi mua sữa thường chọn theo tiêu chí so sánh chất lượng giữa sữa nội hay sữa ngoại và hầu hết còn do tâm lý “tiền nào của nấy”.
Với tư cách là Chủ nhiệm CLB Người tiêu dùng nữ, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi đưa ra phân tích: “Mua sữa ngoại cũng có cái lý của nó”. Ở nước ngoài, sữa là thức uống thông dụng nên công nghệ sản xuất, chế độ giám sát kiểm tra chặt chẽ, xử phạt vi phạm cũng theo luật nên vấn đề ATVSTP rất an tâm.
Bao bì, nhãn mác rõ ràng, chắc chắn, khó có thể làm nhái làm giả, chất liệu sữa tạo nên mùi thơm tạo thói quen cho người sử dụng. Bên cạnh đó, việc công bố chất lượng và quảng cáo sữa có sự khác biệt xa về sự chuyên nghiệp. Vì sao các loại sữa nhập về Việt Nam luôn đắt gấp nhiều lần so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan là do các hãng sữa dành phần lớn lợi nhuận để chi vào quảng cáo (cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hai cho sản xuất sữa nội). Đối với dòng sữa nội có thương hiệu như Vinamilk, Nutifood, Hanoimilk, Ba Vì, Mộc Châu… cũng đã đầu tư lớn về quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để khẳng định chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, kênh phân phối bán lẻ trong nước còn bị buông lỏng, dẫn đến không bảo đảm các điều kiện bảo quản, hậu kiểm. Chính vì vậy, thời gian qua luôn có các vụ kiện về chất lượng sữa bị biến chất, bao bì biến dạng, thủng rách, hay quá hạn sử dụng, không phải trách nhiệm hoàn toàn do nhà sản xuất mà do các đại lý, cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ. Theo bà Chi thì chị em không nên có thái độ “trọng ngoại, khinh nội” và không nên quá tin tưởng vào các mẫu quảng cáo. Nhiều sản phẩm sữa nội rất tốt lại tương ứng với thu nhập trung bình của người dân.
Sữa là mặt hàng thiết yếu của trẻ em, người già và người bệnh. Do đó, người tiêu dùng cần phải biết cách lựa những loại sữa “thông minh” dựa trên tiêu chí: Nhu cầu dinh dưỡng, nhãn mác, thương hiệu, thành phần chứ không nên chạy theo những loại sữa ngoại nhập đắt tiền mà không phù hợp với đặc thù cơ thể người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em.
6 tháng đầu năm 2009, qua báo cáo của các đơn vị y tế thuộc 14 tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa. Kết quả, có hơn 70% cơ sở vi phạm, chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Về chất lượng, trong số gần 300 mẫu kiểm tra có khoảng 20% không đạt chỉ tiêu về hàm lượng đạm, lipit theo công bố, thậm chí có mẫu sữa hàm lượng đạm cực thấp, chỉ dưới 2%. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH