.
CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM”:

Đa dạng hóa kênh phân phối hàng nội địa

.

(ĐNĐT) - Đa dạng hóa kênh phân phối hàng nội địa, thêm nhiều hệ thống bình chọn của người tiêu dùng, cải tiến thêm về mẫu mã... là những ý kiến của lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại, chuyên gia kinh tế và người bán hàng để đưa hàng Việt Nam đến với người Việt Nam.

* Ông LÊ VIẾT TƯƠI, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng:
Đa dạng hóa kênh phân phối hàng nội địa

Ngày 1-1-2010, theo lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ của Chính phủ, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư nước ngoài với đa dạng sản phẩm hàng hóa tham gia vào thị trường phân phối Việt Nam, do vậy, ngay từ bây giờ, DN trong nước cần phải củng cố các kênh phân phối sản phẩm theo hướng hiện đại nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mình trước một “cuộc chiến” bình đẳng ngay trên sân nhà.

Giải pháp trước tiên mà Sở Công thương thành phố đưa ra để hỗ trợ cho các DN là đầu tư phát triển các hệ thống siêu thị, cửa hàng tự chọn, tổ chức các cuộc triễn lãm, hội chợ với quy mô rộng, đồng thời tranh thủ gói kích cầu của Chính phủ nhằm tạo mọi điều kiện cho các DN tạo lập và khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

* Tiến sĩ TRẦN ĐỨC ANH SƠN, Trưởng phòng Nghiên cứu Xã hội nhân văn và Môi trường đô thị, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng:
Cần có thêm nhiều hệ thống bình chọn của người tiêu dùng

Muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, trước hết phải làm sao để người dân hiểu, có trách nhiệm hơn với hàng hóa Việt Nam, và cách tốt nhất là thông qua các hệ thống bầu chọn. Lâu nay các giải thưởng của chúng ta vẫn còn mang tính hình thức, hệ thống kiểm định, bầu chọn chưa thật sự khách quan, thậm chí còn diễn ra tình trạng “nộp tiền là có giải” và hầu hết đều chỉ do cơ quan, đoàn thể bình bầu, chứ chưa có được ý kiến của người tiêu dùng thực thụ, do vậy, cần phải phát triển các hệ thống bình chọn của người tiêu dùng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Bên cạnh đó, cần phải hướng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo những hướng mới mẻ hơn, như kích thích thói quen của người tiêu dùng, kích thích lòng tự hào dân tộc, dần tiến tới xây dựng thương hiệu cho nền kinh tế Việt Nam. Không nên để cuộc vận động đi theo một lối mòn là chỉ nhằm giải quyết bài toán tồn động, khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra, cũng cần mở rộng khái niệm hàng hóa của cuộc vận động, theo hướng bao gồm cả sản phẩm tiêu dùng và sản phẩm dịch vụ, như vậy mới có thể tạo được một thói quen tiêu dùng sản phẩm nội địa trong nhân dân.

* Chị PHẠM THỊ BÍCH LIÊN, nhân viên bán hàng, tổ 10, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng:
Hàng hóa trong nước cần cải tiến thêm về mẫu mã

Nếu xét cả về chất lượng và giá cả, hàng hóa Việt Nam dư sức cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc (TQ), tuy nhiên, ở một số mặt hàng như đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, quần áo..., hàng TQ vẫn trội hơn ta về hình thức bắt mắt, vậy tại sao các DN của ta không đầu tư thêm về mặt này, để hàng hóa Việt Nam không chỉ phù hợp, dễ sử dụng, giá cả phải chăng mà còn đẹp và bền. Các DN trong nước cũng cần đẩy mạnh khâu quảng cáo, tiếp thị thông qua các kênh phân phối bán lẻ như cửa hàng, quầy tạp hóa, để dần định hình trong người dân thói quen dùng hàng Việt.

Thông qua quá trình kinh doanh, tôi nhận thấy thị hiếu tiêu dùng của đại đa số người dân trong nước khá thoáng, hàng hóa chỉ cần phù hợp về giá cả, mẫu mã và đảm bảo chất lượng là có thể dễ dàng được lựa chọn. Do vậy, nếu các cửa hàng, chợ, siêu thị chỉ bán hàng nội địa, cộng với khâu quảng bá, tiếp thị tốt thì không có lý do gì để người Việt Nam không dùng hàng Việt Nam.

Ngô Đồng (thực hiện)

;
.
.
.
.
.