.

Để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

.

“Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam”, Bộ Chính trị đã nêu rõ như vậy trong kết luận về tổ chức cuộc vận động này. Làm gì để yêu nước trở thành lối sống trong tiêu dùng?
     
Thị trường nội địa gần gũi, dễ tiếp cận

Hàng may mặc là một trong những sản phẩm chủ lực của Đà Nẵng.

“Lâu nay chúng ta vẫn hay kêu gọi người dân hãy dùng hàng nội, ủng hộ cho hàng nội, hãy thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tuy nhiên, những cuộc vận động đó vẫn chưa thể mang lại một kết quả bền vững, lâu dài. Vậy sao chúng ta không thử đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề theo một hướng mới mẻ hơn: “Hàng Việt Nam đã thật sự vì người Việt Nam?”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt-may Đà Nẵng (Vinatex), nói như vậy về hướng đi của các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong việc chinh phục thị trường nội địa, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Vấn đề bà Dung đặt ra, là nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, đã quá chú trọng vào xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa vốn rất mênh mông ngay trên “sân nhà”. Đến khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, các DN mới giật mình nhận ra “khoảng trống mênh mông” đó trên “sân nhà” đang bị người khác chiếm lĩnh. Đây chính là cái giật mình cần thiết và đã giúp cho nhiều DN bắt đầu quay trở lại thị trường nội địa.

Nói về thị trường nội địa, theo bà Dung, đây là thị trường khá khó tính, riêng đối với hàng may mặc thì các thông số kỹ thuật dành cho người Việt luôn đòi hỏi khắt khe hơn nhiều so người nước ngoài, chi phí đầu tư cho sản xuất hàng nội địa cũng rất cao. Do vậy, việc thâm nhập thị trường trong nước đối với các công ty nhỏ, nguồn vốn ít, dưới sức ép của các thương hiệu có tên tuổi là cả một thách thức lớn.

“Nó cũng như khi ta đi trên một bề mặt không bằng phẳng, sẽ rất khó chọn giải pháp đi nhanh, mà phải thật chậm và chắc”, một chuyên viên kinh doanh của Vinatex ví von. DN này đang nhanh chóng thiết lập một bộ phận nghiên cứu về người tiêu dùng trong nước, từ đó xúc tiến hoạt động thiết kế, sản xuất phù hợp. Để phát triển thị trường nội địa, bà Dung cho rằng các DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước.

Đồng quan điểm này, ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH BQ, DN giày da đầu tư mạnh vào thị trường nội địa, phân tích: “Trong kinh doanh, mọi chiến lược đều có tính hai mặt, thị trường quốc tế nhiều tiềm năng, doanh thu cao nhưng không bền vững, trong khi đó thị trường nội địa gần gũi, dễ tiếp cận và mang tính lâu dài hơn”. Dựa trên kinh nghiệm kinh doanh lâu năm, ông Hải nhận định, thị trường trong nước không khó tiếp cận, cái chính là mỗi DN phải có sự đầu tư lâu dài, tùy theo sản phẩm mà định hình kênh phân phối cho phù hợp, chấp nhận sự phân chia thị trường, từ đó dần xây dựng hình ảnh, thế mạnh của riêng mình; và dĩ nhiên, sự hỗ trợ, tiếp sức từ các cơ quan hữu quan Nhà nước là hết sức cần thiết.

Với chức năng là cơ quan hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng, cho biết tuy hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 7.000 DN lớn nhỏ đang hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng hầu hết đều là đại lý ủy thác cho các công ty mẹ, rất khó tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại của Đà Nẵng.
 
Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ lực như hàng may mặc, cao su, sắt thép, thủy hải sản, giày da vẫn chưa đủ lực để cạnh tranh. Do đó, muốn hướng vào thị trường nội địa, các DN này phải sớm đề ra những chiến lược kinh doanh hợp lý, sao cho vừa giữ vững được thị trường xuất khẩu, vừa từng bước thâm nhập, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người dân địa phương, dần xác lập chỗ đứng cho thương hiệu của mình.

Đưa hàng Việt đến với người Việt

Những câu chuyện về việc nhiều người dân nước ta được tặng hàng ngoại nhưng với nhãn mác “Made in Vietnam” vẫn thường được đưa ra bàn luận để nói về nghịch lý của hàng hóa Việt Nam sản xuất và xu hướng sính ngoại của người tiêu dùng. Sản phẩm được sản xuất trong nước, nhưng lại đi đến nửa vòng trái đất để tiếp cận với chính người dân của mình.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không làm ngược lại, gây dựng uy tín cho sản phẩm trong thị trường nội địa trước khi tung ra thế giới? Do đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị với mục đích chính là tạo động lực thúc đẩy từ cả hai phía, người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc dùng hàng nội, và các công ty sản xuất những mặt hàng chất lượng, có sức cạnh tranh cao với hàng ngoại nhập, đáp ứng được cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nếu như trong giai đoạn trước, hàng Trung Quốc hầu như độc chiếm thị trường nội địa bởi giá cả và mẫu mã rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, nhưng trong thời điểm hiện tại, các sản phẩm đó đã không còn giữ được niềm tin của người dân, và nhiều người đã nói đến “thời cơ” của hàng Việt. Tuy nhiên, “đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn với các DN trong nước, sóng lớn có thể đưa thuyền ra khơi, nhưng cũng có thể nhấn chìm”, ông Anh nói. Bởi người tiêu dùng dù không còn chuộng các mặt hàng Trung Quốc, song các loại hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường, rất dễ gây lẫn lộn và làm mất uy tín của các sản phẩm nội địa.

Ông Anh cho biết thêm, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng sẽ phối hợp với Sở Công thương thành phố tổ chức những đợt quảng bá, đưa những mặt hàng sản xuất trong nước tiếp cận với người dân. Cụ thể, là các chương trình “Đưa hàng về nông thôn”, “Hàng Việt tiếp sức khu công nghiệp”, “Tháng khuyến mãi”, “Hội chợ tại các chợ”… Đi kèm với các chương trình khuyến mãi luôn phải có hậu mãi, đây là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin bền vững của người Việt vào hàng Việt; cần hạn chế tối đa tình trạng đưa hàng quá đát, cận đát ra bán khuyến mãi, làm mất uy tín của sản phẩm. Tham gia các chương trình hội chợ, khuyến mãi sẽ là cơ hội để các DN tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời đưa mặt hàng của công ty đi sâu vào thói quen mua sắm của người dân.

Tiến sĩ NGUYỄN HÒA NHÂN, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng:
Cần chấm dứt tình trạng “ăn xổi ở thì”

Muốn kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì các DN Việt Nam cần chấm dứt tình trạng “ăn xổi ở thì”, đã đến lúc chúng ta cần hy sinh những lợi ích trước mắt để thu lấy hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần bổ sung những cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho DN và bảo vệ thị trường người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng cũng phải nhanh chóng tạo lập thói quen, văn hóa mua sắm và có trách nhiệm hơn với các mặt hàng trong nước. Nếu người mua có thói quen xem hạn sử dụng khi mua hàng, thì đương nhiên DN cũng phải có thói quen làm ăn uy tín, tôn trọng khách hàng hơn.

Ông PHAN HẢI, Giám đốc Công ty TNHH BQ:
Chấm dứt tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng

Chấm dứt tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường là việc cần làm ngay và sẽ là sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước cho các DN trong nước. Hơn nữa, cần xây dựng một tổ chức nghiên cứu độc lập về thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nội địa so với hàng ngoại nhập, để từ đó đưa ra được những giải pháp mang tính khoa học, phù hợp với thực tế.


Bài và ảnh: NGÔ ĐỒNG

;
.
.
.
.
.