(ĐNĐT) - Cơ hội hợp tác, đầu tư mở rộng, nhiều văn bản được ký kết, nhiều tín hiệu lạc quan… đã được đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản ngày 14-8 tại Đà Nẵng.
70 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cùng 115 DN Việt Nam đã tham dự diễn đàn do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Lễ hội Nhật Bản 2009 diễn ra tại Đà Nẵng, Hội An nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và miền Trung Việt Nam. Tham dự diễn đàn có Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Mitsuo, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh.
Đà Nẵng, địa chỉ đầu tư an toàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn. |
Là nhà đầu tư lớn ở Đà Nẵng trên 3 năm nay, ông Hideo Hosoya, Tổng Giám đốc Công ty Mabuchi Motor, Chủ tịch Hiệp hội các DN Nhật Bản tại Đà Nẵng, đưa ra các đánh giá lạc quan về môi trường đầu tư của thành phố: “Người dân và chính quyền Đà Nẵng luôn dành cho Nhật Bản tình cảm thân thiện và sự hợp tác. Các yếu tố về nhân công, vị trí địa lý, chi phí... đều khá thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản”.
Theo nhận định của ông, việc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng sẽ an toàn hơn đầu tư vào Trung Quốc, bởi Việt Nam ít có những thay đổi đột ngột của Chính phủ và các ưu đãi đầu tư không ngừng tăng lên. Bổ sung cho nhận định này, ông Lê Hữu Quang Huy, Phó Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư khu vực miền Trung, cho biết Đà Nẵng đứng đầu Việt nam về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trên cả Bình Dương và TP.HCM.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đưa ra con số khá ấn tượng về tình hình đầu tư của DN Nhật Bản vào Đà Nẵng: 34 dự án với tổng vốn đầu tư trên 178 triệu USD, chiếm gần 7% về vốn đăng ký trong tổng số các dự án đầu tư trực tiếp vào thành phố. Ông Minh cho hay, hiện Đà Nẵng đang nỗ lực đề nghị Chính phủ, Vietnam Airlines và các hãng lữ hành Nhật xúc tiến đường bay trực tiếp Nhật Bản – Đà Nẵng để hút mạnh dòng chảy khách du lịch cũng như nhà đầu tư của xứ hoa anh đào vào thành phố biển.
Tại hội thảo, các DN Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về một số hạn chế của Đà Nẵng. Theo ông Hideo Hosoya cho rằng, chi phí vận chuyển cao, tàu hàng ít, số ngày trên biển dài là hạn chế lớn nhất của Đà Nẵng. Ông ví dụ: “Hàng hóa gởi đi Nhật Bản từ Đà Nẵng có chi phí vận chuyển cao gấp 1,5 lần và số ngày trên biển dài hơn 2 lần so với việc chuyển đi từ TP.HCM”. Việc trang bị cơ sở xử lý nước thải trong khu công nghiệp, theo ông, phải được tiến hành nhanh nhằm hạn chế ô nhiễm, ảnh hưởng đến dân cư và cả môi trường sản xuất.
Về vấn đề nhân lực, mặc dù ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, cho biết tại thành phố có 14 trường ĐH-CĐ với nhiều ngành nghề được đào tạo, và 4 đơn vị giảng dạy tiếng Nhật... đủ sức cung ứng nhân lực cho thành phố và nhiều địa phương khác, thì ông Hideo Hosoya vẫn tỏ ra lo ngại khi việc tuyển phiên dịch tiếng Nhật, quản lý trung gian tại Đà Nẵng khá khó khăn. Về điểm này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Mitsuo đoan chắc: “Chính phủ Nhật Bản sẽ liên kết với các trường ĐH trong khu vực miền Trung, nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực có khả năng nói tiếng Nhật, đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tiếp tục chuyển giao công nghệ cho Việt Nam
Ký kết hợp tác trên lĩnh vực công nghệ giữa các DN Nhật Bản và DN Đà Nẵng. |
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản, phát biểu khai mạc Hội thảo “Kết nối cung - cầu công nghệ” chiều 14-8, Thượng nghị sĩ Iwao Matsuda, Phó Chủ tịch Hội Liên minh hữu nghị Việt-Nhật, kể lại câu chuyện của nước Nhật: Sau chiến tranh, đất nước Nhật Bản gần như bước ra từ đống tro tàng, trong khi tài nguyên của lại rất nghèo nàn. Thế nhưng giờ đây thế giới biết đến Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh, với mũi nhọn là khoa học-công nghệ. Một trong bí quyết của thành công chính là tinh thần học hỏi không ngừng của người Nhật. Học ngay trong nước và học cả các nước có nền công nghiệp phát trển trên thế giới. “Việt Nam là đất nước giàu tiềm năng, con người Việt Nam thông minh cần cù, đặc biệt rất giàu khát vọng vươn lên. Vì thế không lý do gì sự hợp tác toàn diện của chúng ta trên lĩnh vực khoa học công nghệ lại không đạt được kết quả tốt”, ông Matsuda nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh nói: Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong những năm gần đây đã gặt hái những thành tích đáng tự hào trên lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, Đà Nẵng với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực được đào tạo căn bản, thì với sự hợp tác với Nhật Bản trên lĩnh vực công nghệ sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Để biến tiềm năng này trở thành hiện thực, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư làm ăn. Đây cũng là kênh quan trọng để công nghệ tiên tiến Nhật Bản “chảy” vào Đà Nẵng, bên cạnh các nguồn khác như đào tạo trực tiếp, chuyển giao trực tiếp giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học và DN.
Về vấn đề, này ông Nakamura, Giám đốc điều hành Công ty GLIN, DN có đóng góp rất nhiều trong việc làm đầu mối chuyển giao những công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản qua Việt Nam, phân tích: Thực tế qua khảo sát đã cho thấy các kênh chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang Việt Nam tương đối phong phú và có hiệu quả. Đó là hình thức chuyển giao trực tiếp từ DN Nhật Bản sang DN Việt Nam dưới dạng đầu tư các dự án kinh tế và chuyển giao từ giữa các viện, tổ chức nghiên cứu của Nhật sang cơ quan nghiên cứu và ứng dụng khoa học Việt Nam. Quan trọng nhất là kênh chuyển giao công nghệ dưới hình thức đào tạo nguồn nhân lực, theo dạng Việt Nam đưa nghiên cứu sinh sang Nhật để tiếp thu công nghệ và sau đó chính đội ngũ này có trách nhiệm đưa công nghệ này về nước.
Một số DN Nhật Bản làm ăn thành công tại Việt Nam như Honda, Nippon… đều khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách chuyển giao công nghệ tốt nhất đến với đối tác của Việt Nam, để giúp Việt Nam đẩy mạnh mục tiêu “nội địa hóa” các sản phẩm đang sản xuất. Các các đơn vị nghiên cứu khoa học như Học viện Katayanagi, Viện nghiên cứu công nghệ AIST, Viện công nghệ Monohakobi… đều thông báo sẽ tiếp tục và có chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ cho Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Kết thúc hội thảo, các đối tác Nhật Bản đã tiến hành ký kết nhiều biên bản về hợp tác chuyển giao công nghệ với các Sở Khoa học-Công nghệ thành phố, ĐH Đà Nẵng và một số DN Đà Nẵng. Một chương mới về hợp tác công nghệ giữa hai bên được bắt đầu.
HẰNG VANG - TRẦN LUÂN SƠN
Ông HOSOYA HIDEO (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng): Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng đã sản xuất và xuất khẩu được trên 100 triệu sản phẩm. Sản xuất ổn định, nhà máy liên tục được mở rộng. Với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor, tôi rất tự tin về triển vọng phát triển của DN. Có thể nói chúng tôi đã tận dụng tốt các cơ hội có được đó là tinh thần hợp tác, hỗ trợ rất tích cực từ phía chính quyền thành phố Đà Nẵng; cơ sở hạ tầng và môi trường sống thân thiện. Chúng tôi rất tự hào khi đã trở thành một thành viên trong đại gia đình các DN Việt Nam. Riêng tại Đà Nẵng, các DN Nhật Bản cũng đã thành lập Chi hội hiệp hội DN Nhật Bản là sự đảm bảo cho các chiến lược đầu tư phát triển lâu dài trong tương lai của Nhật Bản. Đà Nẵng đi đầu về hợp tác đầu tư với Nhật Bản tại miền Trung Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà đầu tư lớn thứ 3 ở Việt Nam, có một vị thế chủ lực trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản đã có trên 1.050 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 17,2 tỉ USD (số liệu tháng 12/2008) tại Việt Nam. Theo Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia hàng đầu thu hút các DN Nhật, vì Việt Nam có độ ổn định chính trị cao, chất lượng nhân công ngày càng tăng, và thị trường nội địa có nhiều tiềm năng. Đáng nói là không tỷ lệ thuận với những số liệu và đánh giá trên, số vốn FDI Nhật Bản vào miền Trung lại quá khiêm tốn. Tính đến hết tháng 5-2009, vốn FDI Nhật Bản vào đây chỉ trên 253 triệu USD với 54 dự án, xấp xỉ 1,5% tổng vốn FDI Nhật Bản ở Việt Nam. Trong đó, Đà Nẵng có số vốn FDI của Nhật Bản cao nhất, ở mức 143 triệu USD, tương đương 56% tổng vốn FDI Nhật Bản ở miền Trung. Như vậy, rõ ràng nguồn vốn FDI Nhật Bản vào khu vực này còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và lợi thế của cả hai phía. Miền Trung, mà đi đầu là Đà Nẵng, cần hết sức chú ý đến những cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn với các DN Nhật Bản mới có thể tận dụng tối đa những cơ hội còn mở rộng nơi đây. Nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, chỉ số kinh tế các nền kinh tế lớn yếu đi, nhưng Việt Nam vẫn giữ được thang điểm cao về khả năng kiểm soát kinh tế nội địa, thì việc miền Trung biết tận dụng những lợi thế của mình sẽ mang lại nhiều cơ hội mới để xúc tiến tích cực hơn trong thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI Vốn ODA Nhật Bản đã phát huy hiệu quả Quan nguồn vốn từ Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cảng Đà Nẵng được đầu tư nâng cấp hạ tầng với các hạng mục: cầu cảng, đê chắn sóng, hệ thống quản lý vận hành… với tổng vốn 100 triệu USD, giai đoạn 1. Hiệu quả từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho Cảng Đà Nẵng đủ năng lực bốc xếp 3 triệu tấn hàng hóa/năm, hoạt động của Cảng đảm bảo ổn định liên tục trong năm. Đặc biệt, với việc đầu tư hệ thống thiết bị thông tin đã giúp Cảng Đà Nẵng trở thành cảng container hiện đại, có tốc độ xử lý hàng hoá tăng gấp 3 lần so với trước đây. Khi Cảng Đà Nẵng tiếp tục nhận được sự đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, Cảng Đà Nẵng sẽ có đủ năng lực đón đầu mọi yêu cầu phát triển trong tương lai. NAM PHƯƠNG (thực hiện) | ||||||||||||