Ngân hàng Colonial BancGroup bị đóng cửa ngày 14/8 là ngân hàng lớn nhất của Mỹ phá sản trong năm nay. |
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn báo cáo của FDIC cho biết tổng số tài sản của các ngân hàng có nhiều nguy cơ đổ vỡ cho đến ngày 30-6 vừa qua lên tới gần 300 tỷ USD.
Trong quý II năm nay, ngành ngân hàng của Mỹ đã chịu lỗ 3,7 tỷ USD sau khi thu lời 7,6 tỷ USD trong quý I, và hơn 25% số lượng ngân hàng Mỹ không có khả năng thu lãi.
Trong một thông báo gửi báo chí, Chủ tịch FDIC Sheila Bell cho biết mặc dù nền kinh tế bắt đầu phục hồi, nhưng số lượng các ngân hàng gặp khó khăn và bị phá sản tiếp tục tăng vì hoạt động của ngành ngân hàng bao giờ cũng là chỉ số đi sau.
Tuy nhiên, trong tuần qua số ngân hàng giảm vay tiền từ chương trình cho vay khẩn cấp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục giảm tuần thứ 3 liên tiếp - dấu hiệu cho thấy các định chế tài chính và ngân hàng không còn gặp trở ngại trong việc huy động nguồn tín dụng từ khu vực tư nhân như trước.
Theo FDIC, do gần đây có nhiều ngân hàng bị đổ vỡ nên quỹ bảo hiểm của họ đã giảm 2,6 tỷ USD, tức là giảm 20% so với quý I. Hiện quỹ của FDIC chỉ còn 10,4 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 1992.
Trong khi đó, số tiền bảo hiểm mà FDIC dự đoán có thể phải trả cho các ngân hàng bị đổ vỡ trong những tháng cuối năm nay sẽ lên tới hơn 11 tỷ USD.
Từ đầu năm tới nay đã có 81 ngân hàng của Mỹ phải đóng cửa, trong đó ngân hàng Colonial BancGroup, có trụ sở tại bang Alabama, bị đóng cửa ngày 14-8 là ngân hàng lớn nhất của Mỹ phá sản trong năm nay, với tài sản khoảng 25 tỷ USD. Số ngân hàng Mỹ phải đóng cửa trong cả năm ngoái là 25 so với cả năm 2007 chỉ có 3 ngân hàng.
Dự kiến trong vài năm tới sẽ có thêm hàng trăm ngân hàng đổ bể, đe dọa làm thâm hụt nghiêm trọng quỹ của FDIC.
(TTXVN/Vietnam+)