.

Không thể đứng ngoài cuộc!

.

Để “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” lâu dài và bền vững, khuyến khích phát triển nền sản xuất trong nước, sẽ không có ai có thể đứng ngoài cuộc: từ DN, các cơ quan quản lý Nhà nước, và cả người tiêu dùng đều phải nhiệt tâm trong cuộc vận động ý nghĩa này.

Tiếp thị, quảng bá sản phẩm chưa tốt

Chợ là kênh phân phối gần gũi với người tiêu dùng nhất, nhưng lại bị nhiều nhà sản xuất hàng nội bỏ quên.TRONG ẢNH: Một hãng thực phẩm mang hàng tiếp thị tại chợ Cồn.

“Lâu nay, do chỉ chăm chăm vào khâu xuất khẩu, nhiều DN đã bỏ quên thị trường nội địa, vốn là một mảng rất “màu mỡ”, ông Đinh Cưu, Phó Giám đốc Công ty CP Nhựa Đà Nẵng nhận định. Nhận định trên là có căn cứ, khi bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ nhiệm HTX Mây tre An Khê cũng công nhận, trong khoảng hơn một năm nay, khi kinh tế thế giới đi xuống, xuất khẩu không còn “ăn nên làm ra” như trước, HTX mới bắt đầu chuyển hướng sang thị trường nội địa.

So với những hàng mây tre thủ công được bày bán ở nhiều cơ sở kinh doanh, mây tre An Khê chứng tỏ sự vượt trội về mẫu mã, màu sắc, chất liệu, độ tinh túy..., nhưng vẫn chưa được nhiều người biết tới. Bà Lan lý giải: “Một phần là do việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm chưa tốt”. Dự định mở một showroom trưng bày sản phẩm ở trung tâm thành phố, theo bà Lan, là không thể vì việc bán sản phẩm chưa chắc bù được số tiền bỏ ra hằng tháng để chi trả mặt bằng, nhân công, điện, nước...

Không riêng gì mây tre, mà nhiều mặt hàng khác như giày dép, mũ bảo hiểm do các DN Đà Nẵng sản xuất, dù được những người tiêu dùng tín nhiệm, cũng chưa thể tiếp cận được đại bộ phận dân chúng. “Độ phủ sóng chưa cao, chưa tỏa rộng ra được hai đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và chủ yếu bán ở hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn, nên sản phẩm của chúng tôi chưa thể kết nối hết nhu cầu người tiêu dùng”, ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM B.Q (sản xuất giày B.Q) nói.

Bên cạnh đó, trong khi chợ là kênh phân phối gần gũi với người tiêu dùng Việt Nam nhất, thì hầu hết các nhà sản xuất trong nước lại không chọn nơi này để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, bởi theo một chủ DN “ra chợ sẽ làm hạ thấp giá trị sản phẩm” (?!). Thành thử, người tiêu dùng dù muốn mua cũng không thể, sau khi mỏi mắt tìm các mặt hàng Việt Nam tại chợ.

Người tiêu dùng không có lỗi

Nhiều DN thừa nhận, bao năm qua, dù Chính phủ đã nhiều lần kêu gọi “Người Việt dùng hàng Việt”, vậy nhưng người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với hàng nội, và đó không phải lỗi ở họ. “Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm mà họ tin tưởng vào chất lượng. Lắm DN sản xuất đại trà, không nhắm vào đối tượng nào, bị người tiêu dùng quay lưng là không thể tránh”, ông Hải cho hay. 

Do đó, theo ông Hải, DN phải đầu tư, nghiên cứu thị trường, thị hiếu tiêu dùng để cho ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Cùng quan điểm đó, ông Cưu nói: “Việc sản xuất theo đúng bài bản, cam kết với người tiêu dùng một chất lượng ổn định, lâu dài, gắn với việc xây dựng thương hiệu là cách tốt nhất để người dân mặn mà với hàng trong nước”.

Về phía công ty mình, ông Cưu cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, cung cấp sản phẩm cho các công trình lớn ở Đà Nẵng, công ty này đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất ống HDPE đường kính 500-600mm. Giá nhiều mặt hàng như mũ bảo hiểm, dép, ủng... được giảm 10-15% nhằm kích thích người dân mua sản phẩm nhiều hơn.

Đứng trên góc độ của người bảo vệ người tiêu dùng, một cán bộ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đà Nẵng khẳng định: “Cuộc vận động này là trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, trong đó lấy việc bảo vệ người tiêu dùng làm tiêu chí quan trọng nhất. Theo đó, các nhà quản lý phải kiểm tra chất lượng ngay từ khâu sản xuất, và sớm ngăn chặn các hành vi gian lận, hàng giả, hàng lậu. DN cho ra sản phẩm chất lượng và thực hiện đúng cam kết với người tiêu dùng về các chế độ khuyến mãi, hậu mãi”.

Việc mở rộng kênh phân phối ra các chợ, các cửa hàng nhỏ lẻ để sản phẩm dễ tiếp cận với người tiêu dùng, cùng lúc thay đổi cung cách phục vụ của các nhân viên bán hàng cũng được các DN tính đến.

Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đà Nẵng cho hay: Để người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng hàng Việt, nơi này sẵn sàng đón nhận các cuộc điện thoại, hoặc đơn thư phản ánh về chất lượng, giá cả, hậu mãi... của sản phẩm.

Hội sẽ hướng dẫn người tiêu dùng khiếu nại đúng nơi; hoặc yêu cầu DN làm đúng trách nhiệm đổi-trả, bảo hành đối với sản phẩm nếu sản phẩm không đạt chất lượng. Trong trường hợp sản phẩm có vấn đề lớn (như hư hỏng hàng loạt, hư hỏng nhiều lần...), Hội sẽ phối hợp với các ngành y tế, quản lý thị trường, khoa học – công nghệ... tìm ra nguyên nhân, bảo vệ quyền lợi tối đa cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có thể gọi đến số điện thoại: 0511.3705198, hoặc 0511.3822525 để được tư vấn và giúp đỡ.


Bài và ảnh: H.VANG

;
.
.
.
.
.