.

Ngư dân vay vốn kích cầu: Ngoài tầm tay

.

Gần nửa năm triển khai các gói kích cầu của Chính phủ, đa số ngư dân vẫn không hay biết gì về vốn vay ưu đãi lãi suất mà họ có thể được hưởng. Nguồn vốn này đối với họ quả xa vời.

Ngư dân Sơn Trà cần vốn để đầu tư phương tiện đánh bắt hải sản.

Đáp ứng nhu cầu sản xuất trên biển, ngư dân phải đầu tư khá lớn vốn để đóng mới tàu, mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ... Trước khi xuất bến, mỗi tàu ít nhất phải có khoảng 100 triệu đồng (loại tàu đánh bắt xa bờ) mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm... Để có kinh phí cho chuyến biển dài ngày, chủ tàu phải dựa vào đầu nậu thu mua hải sản.

Nói đúng ra, đầu nậu đầu tư cho họ dưới dạng cho vay lãi suất cao, khi trở về bán lại hải sản cho họ, nhiều khi bị ép cấp, ép giá. Như vậy, gói kích cầu của Chính phủ sẽ giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn về vốn, không phụ thuộc vào nậu, giúp họ cải thiện thu nhập, thế nhưng đến nay, rất ít ngư dân biết đến chủ trương kích cầu và hưởng lợi từ chủ trương này.

Tại bến tàu của 2 phường Nại Hiên Đông và An Hải Bắc, quận Sơn Trà, hàng chục ngư dân ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về nguồn vốn hỗ trợ lãi suất thuộc gói kích cầu đang triển khai. Ông Đinh Văn Giò, trú tổ 29 phường An Hải Bắc, chủ tàu ĐNa 0597, cho biết:

“Chưa hề nghe ai nói tới vốn ưu đãi lãi suất như vậy cả. Ngư dân như chúng tôi quanh năm thiếu vốn, nếu được trên quan tâm hỗ trợ, may ra mới có cơ hội làm ăn. Ở trên biển hằng tuần liền mới về, biết liên hệ ở đâu mà vay, thủ tục như thế nào”. Anh Đặng Hồng, ở tổ 8 Nại Hiên Đông, chủ tàu ĐNa 6585, phàn nàn: “Hiện tôi đang đầu tư 200 triệu đồng chuyển từ nghề giã cào sang nghề lưới Bạc Liêu. Để có vốn phải chạy vạy khắp nơi, vay lãi suất cao ở ngoài. Vốn ưu đãi đâu chẳng thấy, có ai phổ biến đâu mà biết”.

Tình trạng này một phần do họ xa đất liền nhiều ngày, không nắm bắt kịp chủ trương, chính sách của Chính phủ, một phần do ngành ngân hàng, các hội đoàn thể và chính quyền địa phương chưa phổ biến đến tận người dân. Ngoài ra, không loại trừ ngân hàng không mấy mặn mà cho ngư dân, đối tượng sản xuất kém ổn định vay vốn, gây khó dễ trong thủ tục vay.    

 Sơn Trà có hơn 1.400 tàu lớn nhỏ. Đa số ngư dân đời sống khó khăn. Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Sơn Trà, chỉ có 4 hộ chế biến và đánh bắt hải sản vay 512 triệu đồng, trong tổng dư nợ 37 tỷ đồng của 3 gói kích cầu. Giám đốc Chi nhánh ngân hàng này cho biết: Ngân hàng đã phổ biến chủ trương kích cầu đến các địa phương.

Ngư dân ít đến ngân hàng vay vốn có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều hộ đã vay chưa trả nợ đúng hạn, hoặc vay ở ngân hàng khác. Hơn nữa, sản xuất của ngư dân kém ổn định, hiệu quả thất thường, tỷ lệ rủi ro cao, đầu tư cho họ thu hồi vốn rất gian nan. Hiện trên địa bàn quận có 966 hộ ngư dân đang nợ 14,3 tỷ đồng thuộc diện quá hạn. Cũng phải nói thêm rằng, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể chưa vào cuộc giúp ngư dân trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. 

Để vốn kích cầu đến với ngư dân, trước hết ngân hàng phải biết chia sẻ khó khăn của họ, phối hợp với địa phương, hội đoàn thể tuyên truyền đến từng chủ phương tiện và tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể vay được vốn. 

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.