Năm 2009, quận Ngũ Hành Sơn thực sự chuyển mình khi nơi đây có trên 50 công trình, dự án đang triển khai xây dựng. Bên cạnh các dự án có tác động mạnh mẽ về phát triển kinh tế của địa phương như du lịch thì những dự án hạ tầng đô thị với việc nâng cấp hạ tầng giao thông, bến xe, bệnh viện và đặc biệt dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã được khởi động làm cho Ngũ Hành Sơn bước vào giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ.
Phát triển đô thị theo chiều sâu
Danh thắng Ngũ Hành Sơn là “điểm nhấn” trong các đồ án quy hoạch phát triển đô thị ở quận Ngũ Hành Sơn. |
Cùng với các dự án này, Ngũ Hành Sơn có nhiều khu đô thị mới được quy hoạch và triển khai như các dự án khu đô thị Phú Mỹ An; Hòa Hải; khu đô thị Công viên phần mềm FPT; khu đô thị phía nam cầu Tuyên Sơn; khu đô thị sinh thái Đồng Nò; Làng Đại học Đà Nẵng… Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển đô thị ở Ngũ Hành Sơn được thành phố chú trọng theo chiều sâu khi dự án Khu đô thị công viên văn hóa-làng nghề Ngũ Hành Sơn được triển khai. Theo đó, khu danh thắng này sẽ được quy hoạch thành công viên văn hóa mang tính tâm linh - làng nghề truyền thống - bảo tàng và khai thác du lịch; bố trí lại các khu dân cư, xây dựng các tuyến giao thông thủy-bộ để bảo đảm cảnh quan môi trường lâu dài cho toàn khu vực...
Theo phương án quy hoạch vừa được thông qua, trên diện tích khoảng 139ha sẽ được tôn tạo thành một quần thể danh thắng văn hóa lịch sử và là điểm du lịch với dự toán kinh phí xây dựng công trình là 2.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ có khả năng đón tiếp 3.000 khách/ngày (1 triệu khách/năm). Đặc biệt, các khu dân cư trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn được điều chỉnh vào 3 làng đá mỹ nghệ với dân số trên 1.600 hộ (6.200 người), bảo đảm diện tích cư trú 191m2/hộ và 1.500 cơ sở buôn bán đá mỹ nghệ và dịch vụ du lịch, giải trí.
Ở giữa 3 khu làng đá mỹ nghệ sẽ có tuyến đường du lịch làng nghề cùng các hạng mục như khu hành chính, vườn tượng, nhà thờ tổ nghề đá và các cơ sở phúc lợi... Bảo tàng nghề đá Non Nước được xây dựng trên diện tích 7,3ha theo dạng hang động sẽ là công trình hoàn toàn mới và là điểm nhấn quan trọng để trưng bày các tác phẩm, tổ chức sự kiện liên quan đến giao lưu văn hóa, triển lãm và trao đổi, mua bán các tác phẩm từ chất liệu đá... Con đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa chạy qua khu vực này cũng được mở rộng, tạo ra một không gian thoáng đãng cần thiết.
Để dự án sớm được triển khai, UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giao đất dự án Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, làm cơ sở thực hiện công tác kiểm định đền bù dự án.
Cũng trong thời gian này, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng khu dân cư phía nam bến xe Đông Nam trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn với tổng diện tích 93.296m2, vốn đầu tư 43,7 tỷ đồng, mở đường cho việc xây dựng bến xe ô-tô khách. Như vậy, Ngũ Hành Sơn đã trở thành một cực đô thị mới của thành phố Đà Nẵng.
Hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trong những năm qua, hạ tầng đô thị ở địa phương được đầu tư làm cho điều kiện sống của người dân được nâng cao. Những khu dân cư mới được hình thành, những tên đất, tên làng giờ đã là những kỷ niệm bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Trong năm 2009, quận Ngũ Hành Sơn đã đầu tư trên 22 tỷ đồng để phát triển đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản như xây dựng trường học các cấp. Ngoài ra, quận cũng vừa kiến nghị với UBND thành phố hỗ trợ thêm 11 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cấp nước, giao thông cùng các công trình phục vụ dân sinh khác.
Tuy nhiên, từ quy hoạch phát triển đô thị đến việc triển khai các đồ án quy hoạch cũng có những bất cập. “Là đô thị trẻ nhưng Ngũ Hành Sơn chưa có các khu nhà cao tầng, quy hoạch diện tích đất ở đô thị còn hạn hẹp và hạ tầng giao thông có dấu hiệu xung đột”- ông Huỳnh Đức Thơ nói. Khi chúng tôi đặt những vấn đề này với lãnh đạo Sở Xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết công tác quy hoạch, thiết kế đô thị đối với quận Ngũ Hành Sơn đã được xem xét, tính toán kỹ và có xét các yếu tố phát triển ở tầm nhìn 2025.
Ngũ Hành Sơn cần lấy khu danh thắng Non Nước làm điểm chuẩn về phát triển chiều cao đối với các công trình xây dựng. Hiện mạng lưới giao thông ở Ngũ Hành Sơn có xung đột nhưng sẽ khắc phục mà cụ thể tuyến đường đi qua khu danh thắng Non Nước sẽ được ngầm hóa hoặc chuyển hướng giao thông theo các cung đường vành đai. Vấn đề hạn chế đối với hạn mức đất ở đã được tính đến, song lực bất tòng tâm vì “dân mình còn nghèo”. Ở nhiều dự án tái định cư, thành phố đã có quy hoạch theo hạn mức đất ở biệt thự, nhà vườn nhưng người dân không có khả năng đầu tư sở hữu quyền sử dụng đất với diện tích lớn.
Chúng tôi đã có dịp tham gia nghe nhiều phản biện về các dự án quy hoạch phát triển đô thị đối với quận Ngũ Hành Sơn. Xét về tổng thể địa lý kinh tế, quận Ngũ Hành Sơn được coi như là “viên ngọc”, là “con gà đẻ trứng vàng” mà đặc biệt là quy hoạch đầu tư phát triển du lịch. Thực tế hiện “viên ngọc” Ngũ Hành Sơn đã sáng ra nhiều, nơi đây là trung tâm du lịch với chuỗi các khu du lịch đẳng cấp quốc tế, và đang hình thành một trung tâm giáo dục-đào tạo khu vực và quốc tế.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG