.

Nội địa hóa hàng xuất khẩu: Bài toán khó

.

Những năm gần đây, sản lượng hàng hóa XK của thành phố ngày càng tăng, đem về nguồn ngoại tệ đáng kể, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Trong đó, các sản phẩm công nghiệp (CN) XK cũng ngày càng có tỷ trọng lớn, nhất là hải sản, may mặc, giày da, cao su… Tuy nhiên, nhiều mặt hàng CN có tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm rất thấp.

Giày thể thao trẻ em, mặt hàng mới có tỷ lệ nội địa hóa cao nên đem lại lợi nhuận đáng kể cho DN.

Không ít sản phẩm có gần 100% nguyên liệu nhập khẩu ( NK), các DN chủ yếu là gia công. Chẳng hạn như ô-tô của Công ty Cơ khí ô-tô và Thiết bị điện Đà Nẵng chỉ làm phần vỏ, ghế ngồi..., còn các chi tiết chính như máy, tổng thành phải NK. Ngay trong các chi tiết do nhà máy sản xuất cũng hầu hết là vật tư NK. Các sản phẩm của ngành dệt-may, kể từ nút áo, dây khóa và vải cũng phải NK, với áo Jacket thì 100% chi tiết đều NK, các đơn vị chỉ gia công.
 
Đành rằng xu thế toàn cầu hóa hiện nay không nhất thiết một sản phẩm công nghiệp chỉ sản xuất, hoặc sử dụng toàn bộ nguyên liệu do DN một quốc gia sản xuất. Tuy nhiên, nếu phải NK nhiều, giá trị gia tăng rất thấp (chủ yếu là chi phí gia công và một vài khoản  nguyên liệu phụ, nhiên liệu). Lợi nhuận hầu như các đối tác nước ngoài chiếm hết.

Còn đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực hải sản, nông sản, gần 100% XK ở dạng bán thành phẩm. Các sản phẩm này muốn tới được tay người tiêu dùng ở các nước NK (qua siêu thị, các cửa hàng bán lẻ…) thì các đối tác phải qua một công đoạn chế biến cuối cùng, hoặc chỉ là khâu đóng gói. Vì vậy, hầu như toàn bộ thặng dư là các đối tác hưởng. Giám đốc một công ty chế biến hàng hải sản cho biết, qua đợt đi tìm hiểu thị trường ở nước ngoài - nơi mà sản phẩm của công ty xuất sang - ông rất đau xót khi thấy sản phẩm của công ty được bán với giá gấp 2,7 lần giá đối tác mua mà họ không phải làm gì thêm ngoài khâu đóng gói.

Ông Ngô Việt Hải, Giám đốc Công ty CP Cơ điện miền Trung cho biết: Trên 90% nguyên vật liệu để công ty sản xuất phải NK (chủ yếu là thép và các kim loại màu…), trong khi đó ở trong nước, có rất nhiều cơ sở sản xuất thép nhưng không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Vì vậy, mặc dù công ty có thể sản xuất được rất nhiều sản phẩm thay thế cho các sản phẩm NK của các đơn vị xây dựng các nhà máy thủy điện trong nước, nhưng lợi nhuận cũng không cao, do phải NK nhiều.

Đối với các cơ sở may mặc của thành phố, dù có việc làm thường xuyên cho trên 1 vạn lao động, nhưng mức lương của công nhân và lợi nhuận của DN cũng rất thấp do nguyên vật liệu phải NK hoặc chủ yếu là gia công cho các đối tác nước ngoài.

Kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng vì tỷ lệ sản phẩm nội địa hóa thấp nên Vinatex Đà Nẵng khó cải thiện thu nhập cho công nhân.

 

Ngay cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN của thành phố thì hầu hết đều đem máy móc, thiết bị, công nghệ và các nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm từ chính quốc, việc mua vật tư nguyên liệu tại Việt Nam rất ít. Mục tiêu của không ít DN khi vào các KCN của Đà Nẵng và trong nước là khai thác nguồn tài nguyên, năng lượng và đặc biệt là nguồn nhân công giá rẻ.

Ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại Hữu Nghị cho biết: Một trong những mục tiêu quan trọng mà công ty đặt ra trong thời gian đến là phải chiếm lĩnh thị trường nội địa và nâng cao tỷ trọng nội địa hóa sản phẩm, lấy chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh làm trọng, không chạy theo doanh thu đơn thuần. Nếu DN nào cũng có quyết tâm như Hữu Nghị thì bài toán này sẽ có lời giải.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.