.

Ổn định để phát triển

.

Những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng trong những tháng đầu năm, đặc biệt sự phát huy hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, sự nỗ lực của các đơn vị đã góp phần phục hồi nền sản xuất công nghiệp (CN) thành phố.
 

Nhờ có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao và chú trọng thị trường nội địa, Công ty CP Dệt Hòa khánh vẫn giữ vững sản xuất.

Theo số liệu của Sở Công thương, trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất CN đạt 6.025 tỷ đồng, đạt 46,2% kế hoạch (KH), tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 451 triệu USD, đạt 41,4% KH, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó xuất khẩu hàng hóa 275,5 triệu USD, đạt 43% KH, giảm 14% so cùng kỳ năm 2008; xuất khẩu dịch vụ 175,5 triệu USD, đạt 39% KH, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2008.

Theo kế hoạch điều chỉnh của HĐND thành phố (kỳ họp thứ 14), giá trị sản xuất CN 5 tháng còn lại là 5.295 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng 1.059 tỷ đồng), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ còn lại 549 triệu USD (bình quân mỗi tháng 109,8 triệu USD), trong đó xuất khẩu hàng hóa 304,5 triệu USD (bình quân mỗi tháng 60,9 triệu USD), xuất khẩu dịch vụ 244,5 triệu USD (bình quân mỗi tháng 48,9 triệu USD).

Ổn định sản xuất kinh doanh

Mặc dù kết quả trên được đánh giá là khả quan, nhưng để thực hiện được kế hoạch điều chỉnh này, mỗi DN phải rất nỗ lực cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế trong nước và thế giới. Có thể nói, việc hoàn thành kế hoạch năm 2009 của ngành Công thương phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan, bởi hầu hết các DN có giá trị lớn, lao động nhiều (dệt may, cao su…) và chiếm tỷ trọng lớn trong ngành CN đều liên quan đến sự ổn định, phục hồi của thị trường xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Nên mặc dù trong những tháng đầu năm có tín hiệu tốt thông qua việc đặt hàng của các đối tác, nhưng những đơn hàng chỉ nhỏ giọt, không ổn định, rất khó khăn cho việc tổ chức sản xuất.

Chẳng hạn như Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị, những năm trước đây đơn hàng ít nhất từ 50 ngàn đôi giày các loại một lần, nhưng từ đầu năm đến nay, số đơn hàng có giá trị lớn không nhiều, mặc dù công ty vẫn có đủ việc làm cho 1.500 công nhân và có lãi. Các DN dệt may đã phải chuyển đổi từ làm hàng FOB (mua nguyên liệu bán sản phẩm) sang làm hàng CMT (gia công) nên hiệu quả kinh doanh giảm nhiều. Còn các DN sản xuất giày da đặt ra mục tiêu trong giai đoạn hiện nay là duy trì sản xuất, có đủ việc làm cho công nhân.

Do tồn kho quá nhiều từ năm trước nên mặc dù thời điểm hiện tại, tốc độ xây dựng trên địa bàn tăng cao nhưng việc sản xuất của các DN sản xuất thép vẫn cầm chừng. Đối với nhiều DN làm hàng hải sản, do khủng hoảng kinh tế nên việc đầu tư để hoàn chỉnh và nâng cao giá trị sản phẩm bị chững lại, phổ biến vẫn là sơ chế nguyên liệu để xuất khẩu nên giá trị kinh tế và hiệu quả không cao. Một số DN khác có đầu tư thiết bị mới để sản xuất nhưng công nghệ hầu hết ở mức trung bình của thế giới nên trong tương lai, các mặt hàng CN cao cấp có hàm lượng chất xám cao vẫn phải nhập ngoại…

Giải pháp

Để tạo thuận lợi cho các DN hoàn thành kế hoạch, rất cần những chính sách phù hợp, hiệu quả. Trước hết, tập trung và tích cực thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ đến đúng đối tượng và kịp thời cho các DN.
 
Ngành Công thương phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức đối thoại trực tuyến với các DN để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục vay vốn tại các ngân hàng thương mại theo chủ trương kích cầu của Chính phủ. Thành phố tiếp tục hỗ trợ vốn cho các DN từ Quỹ Đầu tư phát triển, trong đó tập trung ưu tiên cho các DN có giá trị sản xuất CN và giá trị xuất khẩu lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có dự án hoàn thành và đưa vào sản xuất năm 2009.

Đối với công tác xúc tiến thương mại, thực hiện các biện pháp phù hợp để khai thác thị trường nội địa. Hỗ trợ cho các DN trong việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa. Hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm tồn đọng như sắt thép, xi-măng, sản phẩm cơ khí… để các DN thu hồi vốn, nhằm cơ cấu lại thời hạn vay và các khoản vay có lãi suất cao. Khuyến khích các DN tổ chức các đợt bán hàng hạ giá để kích thích tiêu dùng.
 
Tìm kiếm các thị trường mới, ưu tiên cho các thị trường ở các nước láng giềng nhiều tiềm năng như Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc… và thực hiện các biện pháp phù hợp để khai thác thị trường nội địa. Sớm triển khai chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN quảng bá sản phẩm ra các thị trường mới.

Sở Công thương cũng đề nghị UBND thành phố quan tâm tạo điều kiện cho các DN đủ năng lực tham gia thực hiện các gói thầu (thầu chính hoặc thầu phụ) các công trình xây dựng từ ngân sách thành phố (cầu, đường, điện...), kể cả việc giới thiệu tham gia làm thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài (trường hợp nhà thầu nước ngoài trúng thầu), qua đó tăng giá trị sản xuất CN, thực hiện xuất khẩu tại chỗ (như Công ty CP Cơ điện miền Trung trúng thầu cung cấp thiết bị ăng-ten cho nhà thầu nước ngoài để thi công công trình trong nước, trị giá 5 triệu USD, từ nay đến cuối năm 2009). Trong đó, cần có cơ chế ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa như xi-măng, cơ khí, vật liệu điện, hóa chất, nhựa... sản xuất trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.