.
Quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô

Bao giờ thành hiện thực?

.

Sau khi Luật Giao thông đường bộ được áp dụng, Bộ GTVT tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ 2 dự thảo, bao gồm Nghị định về quy định xử phạt hành chính trên lĩnh vực GTVT và Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô, đồng thời ban hành Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới khi tham gia lưu thông trên đường. Đây được xem là nỗ lực của Bộ GTVT trong việc siết chặt quản lý Nhà nước trên lĩnh vực giao thông, vốn đang có xu hướng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Sắp đến, các phương tiện vận tải khách theo tuyến cố định phải gắn “hộp đen”.

Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô được kế thừa từ Nghị định 92/2001/NĐ-CP, tuy nhiên mức độ quản lý được coi là chặt chẽ và phù hợp hơn với sự phát triển của ngành vận tải, nhất là trong bối cảnh hoạt động vận tải đang mở rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa ra một danh mục rất cụ thể về “tuổi thọ” của từng loại phương tiện. Ví dụ, với xe du lịch thì niên hạn sử dụng là 10 năm, đây được xem là thời hạn khá khắt khe, nhưng lại phù hợp với thông lệ của quốc tế.
 
Lý do chủ yếu là vấn đề an toàn cho hành khách cũng như chất lượng phục vụ phải được đề cao. Về việc gắn thiết bị giám sát các phương tiện, dự thảo đã đưa ra cột mốc là ngày 1-7-2010, sẽ hoàn tất lộ trình này với tất cả đối tượng bắt buộc là xe buýt, xe chạy tuyến cố định, xe vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải có trọng tải từ 10 tấn trở lên… Đối với các loại hình xe buýt, phải chấp hành nghiêm chạy theo đúng lộ trình, tần suất xe chạy, khoảng cách giữa các điểm đỗ và dừng xe; với xe taxi phải thực hiện nghiêm túc cách tính tiền theo km được thể hiện trên đồng hồ gắn trên xe.

Theo đánh giá chung của các cơ quan quản lý, DN và chủ phương tiện đều ủng hộ các nội dung theo hướng “siết chặt” này. Tuy nhiên, hầu hết lại lo lắng đến các yếu tố mang tính kỹ thuật. Đơn cử là việc lắp đặt “hộp đen” để theo dõi toàn bộ lộ trình và thông số của các phương tiện khi hoạt động. Dù đã có thông tin gần một năm nay, nhưng đến thời điểm hiện nay, các DN vẫn tự mày mò là chính, chứ chưa có một văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành, trong khi tất cả đều không có kinh nghiệm trên lĩnh vực này. Chính vì “lỗ hổng” này mà thời gian qua, mặc dù được tiếp thị rất nhiều, nhưng chủ phương tiện không biết nên sử dụng loại nào cho phù hợp.
 
Ngay cả việc đào tạo đội ngũ nhân viên quản lý, theo dõi hệ thống các thiết bị này cũng như chi phí vận hành hệ thống đang là một khoảng trống. Trong khi đó, vấn đề nóng nhất là chuyển đổi bằng lái xe chuyên dụng có kéo rơ-moóc đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ.

Mặc dù Sở GTVT đã thông báo cho các lái xe nộp đơn để học và thi chuyển đổi hơn hai tháng nay, nhưng đến nay vẫn chưa có mấy ai nộp đơn. Lý giải về tình trạng này, một chủ DN có gần 50 đầu xe có kéo rơ-moóc cho rằng: “Lấy đâu ra cơ sở đủ tiêu chuẩn mà đào tạo, đó là chưa kể thầy giáo chưa cập nhật khả năng thực hành của mình thì làm sao dạy lại người khác”.

Riêng quy định xe khách chạy tuyến trên 300km phải xuất phát và đến bến loại 4 trở lên (có diện tích bến dưới 5 ngàn mét vuông), thực chất là muốn chấm dứt tình trạng xe dù bến cóc, những xe đón và trả khách không ở bến cố định. Tuy nhiên trên thực tế, đây là “cuộc chiến” dai dẳng suốt bao năm qua không riêng gì tại Đà Nẵng, nhưng kết quả cũng không thành công.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.