Chính phủ dành riêng gói kích cầu đối với nông thôn bằng cách cho nông dân vay vốn hỗ trợ lãi suất. Tuy vậy, sau gần 3 tháng triển khai, với gần 37 nghìn hội viên, nhưng số hộ nông dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này quá ít.
Nông dân rất cần vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. |
Không dễ gì vay vốn ưu đãi
Đó là câu cửa miệng của không ít nông dân chúng tôi đã gặp khi tìm hiểu về việc họ có được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi? Ông Ngô Trường Vạn, tổ trưởng tổ dân phố 25, phường Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ), ngạc nhiên: “Bây giờ nghe các anh nói, tôi mới biết có nguồn vốn như vậy, chứ mấy lâu nay có biết gì đâu. Là tổ trưởng dân phố mà tôi đâu được ai phổ biến. Ở tổ 25 này có hơn 100 hộ, đa số sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác, ai chẳng cần vốn vay, nhất là được ưu đãi lãi suất, nhưng biết vay ở đâu, thủ tục như thế nào”.
Ông Đậu Tiến Thịnh, Bí thư chi bộ khu vực 9 Hòa Thọ Tây cũng cho biết: Nông dân không dễ gì tiếp cận với nguồn vốn này. Nhiều hộ có nhu cầu, đến NH đều thất vọng ra về. NH họ chiếu theo các điều khoản trong quyết định của gói kích cầu như sản xuất 1ha mới được vay 7 triệu đồng để mua vật tư, phân bón. Mua máy móc nông cụ phải có nhu cầu và loại máy đó do Việt Nam sản xuất, đầy đủ hóa đơn chứng từ. Nông dân Hòa Thọ Tây mấy ai canh tác diện tích lớn.
Trong khi đó, vay để phát triển các lĩnh vực khác như trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi không thấy đề cập trong quyết định nên đành chịu. Các điều khoản trong quyết định thì rất chi tiết cụ thể, nhưng không thuộc đối tượng cần vay của nông dân địa phương. Hơn nữa, NH chẳng mặn mà gì đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Giải ngân cho các đối tượng này, không dễ gì thu hồi vốn, vừa tốn công mà dễ lâm vào cảnh nợ khó đòi.
Ngược lên các xã miền núi càng thấy chủ trương trên khó đến với nông dân. Rất nhiều người chưa hề biết gì về nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất Nhà nước dành cho họ. Bà Nguyễn Thị Ba, ở thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú nói: “Trước đây chúng tôi cũng được bên kênh xóa nghèo cho vay, nhưng lãi suất 0,65%/tháng. Nếu có vốn hỗ trợ lãi suất 4%/năm thì còn gì bằng. Tôi cũng muốn vay vài chục triệu để mua thêm mấy con bò”. Rất nhiều người dân ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú cũng không hề hay biết gì về vốn kích cầu đang triển khai, trong khi rất cần vốn để phát triển sản xuất.
Tại thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, nhiều nông dân chỉ nghe loáng thoáng chủ trương kích cầu qua loa phát thanh của địa phương. Ông Trần Hậu cho biết ông cần vốn để mở rộng ao hồ, nhưng đến NH họ đòi hỏi đủ thứ, khó đáp ứng nổi, đành thôi. Ông Trần Chữ phàn nàn: “Tôi muốn vay vài chục triệu để mua cá giống, nhưng hình như chỉ được vay mua máy cày, máy gặt, mà chúng tôi cần máy ấy làm gì”.
Ông Ngô Văn Sa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, cho rằng: Hộ nghèo rất khó tiếp cận với vốn vay này. Toàn xã có 1.356 hội viên, đến nay chỉ có 6 hộ đã vay vốn ưu đãi, trong đó 4 hộ vay mua máy nông cụ, 2 hộ vay 20 triệu đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hộ nào vay cũng phải có dự án cụ thể và thế chấp sổ đỏ. Các hộ đang vay ở NH thì không thể tiếp cận với vốn ưu đãi.
Kích cầu cho người giàu?
Rất nhiều DN và các hộ có đời sống khá giả đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với số tiền không nhỏ. Ở Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Liên Chiểu, trong gói kích cầu này, duy nhất chỉ một hộ vay 290 triệu đồng mua ô-tô tải.
Trong khi đó, không ít DN vay đến 10 tỷ đồng để buôn bán và mua nguyên liệu chế biến thép. Đến thời điểm hiện tại, chi nhánh này đã giải ngân cho vay kích cầu 137 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 254 tỷ đồng. Trong đó, gói kích cầu theo Quyết định 497 chỉ có 290 triệu đồng của 1 hộ mua ô-tô tải nêu trên. Hoặc như ở Chi nhánh Ngũ Hành Sơn, đến thời điểm hiện nay chỉ có 4 hộ nông dân vay 100 triệu đồng mua máy móc nông cụ và 38 hộ khác vay trên 7 tỷ đồng, trong khi đó dư nợ từ 3 gói kích cầu lên đến 65 tỷ đồng.
Thời điểm hiện tại, địa phương này có tới 5.234 hộ nông dân, trong đó 3.563 hộ sản xuất nông nghiệp. Đối với huyện Hòa Vang, địa phương có hàng chục nghìn hộ nông dân, đến nay chỉ có khoảng 700 hộ tiếp cận với nguồn vốn này. Trao đổi về thực trạng nêu trên, các giám đốc chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT đều cho rằng:
Các hộ nghèo đã vay bên NH Chính sách xã hội. Hơn nữa, nông dân có nhu cầu vay vốn không nhiều. Không ít hộ ngại vay vốn do bế tắc hướng làm ăn, vay vốn về sợ không làm gì ra để trả. Bên cạnh đó, sự ràng buộc từ các điều khoản của quyết định gói kích cầu, NH chỉ có thể thực hiện theo quy định. Từ thực trạng nêu trên, giải ngân cho các DN và các hộ có kinh tế khá giả là đương nhiên.
Nông dân không mặn mà
Chị Nguyễn Thị Quý, ở thôn Túy Loan Đông, xã Hòa Phong (Hòa Vang), lắc đầu khi được hỏi về vay vốn ưu đãi. Chị nói: “Vay về biết làm gì, chi tiêu hết lấy gì trả?”. Còn bà Nguyễn Thị Phi ở cùng thôn chẳng đoái hoài gì đến vốn vay, mặc cho một số hộ trong thôn như ông Đặng Nghệ vay tới 40 triệu đồng nâng cấp chuồng heo, mua máy ép đậu phụng.
Bà nói: “Vay rồi liệu có phát triển thêm hay lại thâm nợ. Nghề nông, làm nhiều, thu nhập ít. Khi trồng cấy có nhiều sản phẩm thì mất giá. Đó là chưa nói gặp dịch bệnh, thiên tai có khi mất cả chì lẫn chài”. Là hộ chuyên sản xuất rau sạch ở Khuê Mỹ, nhưng chị Nguyễn Thị Mai ở phường Mỹ An (Ngũ Hành Sơn) cũng chẳng mặn mà gì với nguồn vốn này. Chị cho biết: Sợ nhất là nợ nần. Hiện chồng đang ốm, vay về liệu có phát triển được sản xuất hay lại tiêu pha hết, đến kỳ lấy gì trả nợ.
Có thể nói, bế tắc trong hướng làm ăn đã làm cho nông dân chẳng mặn mà với vốn vay ưu đãi. Cũng cần nói thêm, khi có chủ trương kích cầu của Chính phủ, ngành NH đã phối hợp với chính quyền các cấp, cơ quan liên quan và các hội đoàn thể phổ biến nội dung các gói kích cầu này. Tuy nhiên, số lượng người dự nghe phổ biến không nhiều, nên không nắm bắt được chủ trương. Đối với NH, có tâm lý ngại cho nông dân nghèo vay vốn, nên việc hướng dẫn các thủ tục chưa chu đáo, thậm chí còn đưa ra các điều khoản rất khắt khe, buộc người nông dân tự bỏ cuộc.
Để nông dân tiếp cận với vốn vay ưu đãi, NH, các cơ quan chức năng, hội đoàn thể cần phổ biến rộng khắp chủ trương này đến tận người dân. Cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn thủ tục cho bà con vay vốn và cần có chính sách thông thoáng hơn trong việc giải ngân. Cơ quan chuyên môn các cấp cần tổ chức tập huấn kỹ thuật, mở ra nhiều hướng làm ăn để nông dân mạnh dạn vay vốn đầu tư cho sản xuất.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu