Đà Nẵng hiện có 5 cơ sở sửa chữa tàu cá, nhưng quy mô nhỏ, nên mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu so với số lượng tàu cá hư hỏng cần sửa chữa mỗi năm (ước khoảng 4.000 lượt tàu). Do đó, nhiều tàu cá của ngư dân không có cơ hội bảo dưỡng, sửa chữa theo định kỳ đã phải nằm bờ.
Tàu cá lên đà sửa chữa tại HTX Trục vớt và đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An. |
Thực hiện chủ trương giải tỏa, phát triển đô thị, 3 cơ sở đóng sửa tàu cá dọc sông Hàn thuộc địa phận phường An Hải Tây (Sơn Trà) đã di dời ra phía tây âu thuyền Thọ Quang, cùng với cơ sở của Cựu chiến binh phường Thọ Quang đã lập trước đó, tạo thành “làng” sửa chữa tàu thuyền. Tại đây, các cơ sở tổ chức sản xuất trên phạm vi đất thuê với diện tích 3.000-4.000m2, nên quy mô sản xuất nhỏ. Mỗi cơ sở chỉ đủ điều kiện đón hơn chục tàu lên đà/lượt.
Cơ sở được coi là bề thế nhất ở “làng” này là HTX Trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An. HTX này đang phát huy khả năng và truyền thống của mình trong lĩnh vực trục vớt và sửa chữa tàu cá. Tuy vậy, do mặt bằng nhỏ, triền đà không nhiều, tàu kín đà cũng chỉ hơn chục chiếc, loại công suất từ 45-90 CV. Đầu năm 2009 đến nay, cơ sở này đã sửa chữa gần 100 chiếc tàu cá.
Ông Nguyễn Văn Khâm, Chủ nhiệm HTX cho biết: Nhu cầu về sửa chữa, bảo dưỡng tàu cá ngư dân rất lớn, song khả năng của cơ sở có hạn. Ngoài ra, nguồn nước tại âu thuyền Thọ Quang bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động tại cơ sở. “Việc di dời sản xuất ra âu thuyền Thọ Quang là thuận lợi, song vị trí này chỉ sửa chữa, bảo dưỡng cho các tàu loại nhỏ và vừa, các tàu lớn không thể vào được do vướng trần cầu Mân Quang. Trong khi thế mạnh của HTX là sửa chữa cho các tàu công suất lớn” - Ông Khâm nói thêm.
Cơ sở sửa chữa tàu thuyền Lý - Cư được hình thành vào năm 2006 tại phường Nại Hiên Đông. Từ năm 2006 đến nay, cơ sở này đã kéo lên đà sửa chữa, bảo dưỡng cho hàng nghìn lượt tàu. Tàu lên đà tại đây chủ yếu sửa chữa nhỏ, bao gồm các công việc sảm hồ chống rò nước, sơn, cơ khí... Ông Nguyễn Văn Cư, chủ của cơ sở này cho biết: Tàu thuyền lên đà sửa chữa chủ yếu vào mùa ít đánh bắt và mùa mưa bão.
Thời điểm đó cơ sở lúc nào cũng quá tải. Hoạt động sửa chữa tàu thuyền quanh năm làm không hết việc nhưng cơ sở thuê mặt bằng thời hạn 5 năm nên không đầu tư phát triển. Hiện cơ sở cũng chỉ sản xuất cầm chừng. “Nhu cầu đóng mới tàu thuyền hiện nay không lớn. Ngư dân có nhu cầu họ mua tàu cũ giá rẻ để sửa chữa lại. Tàu cũ hư hỏng nằm bờ thời điểm này khá nhiều và nếu đóng mới giá gỗ cao, chủ tàu cá khó thu hồi vốn và có lãi” - Ông Cư tâm sự.
Sửa chữa tàu tại Xưởng sửa chữa tàu thuyền Lý - Cư. |
|
Theo quan sát, nhiều bến tàu, bãi biển đều có nhiều tàu cá nằm bờ mà nguyên nhân tàu bị hư hỏng chiếm tỷ lệ khá cao. Ông Nguyễn Văn Tiềm, chủ tàu cá ở phường Hòa Hải cho rằng: Với số lượng ít các cơ sở sửa chữa như hiện nay, chủ tàu cá phải đăng ký hằng tháng mới có thể kéo tàu lên đà sửa chữa.
Thực trạng hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng tàu cá hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân, do đó, công tác hậu cần nghề cá đang còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân là thiếu quy hoạch, chưa phát huy được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Chú trọng đến lĩnh vực đóng sửa tàu thuyền cũng là giải pháp để đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy hải sản vốn là tiềm năng và thế mạnh của Đà Nẵng.
Bài và ảnh: Hoài Nam