Nằm trong chương trình hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo vay vốn theo Quyết định 579 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2009, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hòa Vang được phân bổ thêm 7 tỷ đồng để giải ngân cho hộ nghèo vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi...
Khi nguồn vốn đến với hộ nghèo
Hộ nghèo đến vay vốn tại NHCSXH huyện Hòa Vang. |
Gia đình chị Nguyễn Thị Cam (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) trước đây cuộc sống chủ yếu dựa vào tiền làm thuê, làm mướn là chính. Kể từ khi Nhà nước có cơ chế cho bà con vay vốn với lãi suất thấp, NHCSXH huyện đã cho gia đình vay 20 triệu đồng để trồng rừng, chăn nuôi bò. “Với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng tôi đã chịu khó làm ăn. Lúc đầu gia đình chỉ nuôi 1-2 con bò, sau tăng dần lên 5 con rồi 7 con. Mỗi năm, ngoài lo tiền học, chi phí sinh hoạt cho gia đình, dư được chút ít.
Sau nhiều năm dành dụm đã sửa chữa được căn nhà khang trang, mua sắm đồ dùng trong gia đình. Gia đình tôi có được cuộc sống như hôm nay là nhờ được vay vốn hỗ trợ với lãi suất thấp để làm ăn”, chị Cam tâm sự.
Cũng như gia đình chị Cam, cuộc sống gia đình chị Trương Thị Muộn (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) trước kia rất khó khăn, nhưng đến năm 2007, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Hòa Vang, thời hạn vay 5 năm. Có tiền, gia đình chị đã đầu tư trồng gần 20 héc-ta rừng và kết hợp chăn nuôi trâu, bò.
Qua khảo sát của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Hòa Vang về tình hình sử dụng vốn cho thấy: Chỉ sau 2 năm, nhờ nguồn vốn vay của NH, gần 20 héc-ta rừng keo lá tràm của gia đình chị Muộn đã được phủ xanh hoàn toàn. Khoảng 3 năm nữa sẽ đến ngày “hái quả”, theo ước tính, mỗi héc-ta sẽ thu về cả chục triệu đồng.
Thông thoáng hơn cơ chế cho vay
Có thể nói, NHCSXH đã trở thành một kênh tín dụng mang ý nghĩa xã hội to lớn, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện cơ chế cho vay của NHCSXH vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự hợp lý. Theo quy định, số vốn được vay đối với mỗi hộ nghèo cao nhất là 30 triệu đồng, tuy nhiên, số hộ nghèo được vay ở mức từ 20-30 triệu đồng chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu từ 5 đến 15 triệu đồng.
Trong khi đó, muốn phát triển kinh tế như chăn nuôi hoặc sản xuất kinh doanh nhỏ cũng phải bỏ vốn ít nhất từ 4 đến 8 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, cửa hàng. Còn lại nguồn vốn mua con giống, vật tư... với hộ nghèo sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, hiện các đối tượng thuộc hộ cận nghèo vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.
Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết: Phần lớn các hộ nghèo vay vốn thường tập trung đầu tư vào việc trồng rừng và chăn nuôi nên đến thời hạn trả nợ là bà con bán trâu, bò, hay keo để trả nợ. Để tiện cho bà con, NH đã mở các điểm giao dịch tại các xã trên địa bàn, và hằng tháng, NH đều cử cán bộ tín dụng đến tại các điểm giao dịch thu nợ gốc để bà con trả bớt nợ. Còn đối với lãi suất cho vay, hằng tháng, NH đã phối hợp với tổ cho vay vốn thu lãi.
Với cách làm này trong nhiều năm qua, số vốn cho vay thu lại đúng thời hạn, không có trường hợp nợ quá hạn xảy ra. Ngoài ra, NH còn phối hợp với các ngành chức năng triển khai đồng bộ các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hộ nghèo làm ăn có hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. “Đến nay, hầu hết các hộ nghèo trên địa bàn huyện có nhu cầu vay vốn đã được tiếp cận với nguồn vốn này.
Và để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, thời gian qua, NH đã phối hợp với các địa phương rà soát lại những hộ làm ăn có hiệu quả để xem xét cho vay thêm nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 579 của Chính phủ”, ông Chiến cho hay.
Bài và ảnh: Trọng Hùng