.

Tôi dùng hàng Việt

.

Không hẹn mà gặp, nhiều công chức khẳng định: “Tôi đang dùng hàng Việt”. Các mặt hàng Việt như giày dép, quần áo, thực phẩm... đang được số đông công chức ưa chuộng. Trên thực tế đó, xem ra cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nếu được triển khai trước hết ở bộ phận này sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

* Chị NGUYỄN THỊ THANH XUÂN, Phó Trưởng phòng Thông tin thương mại – Trung tâm Thông tin và xúc tiến thương mại Đà Nẵng: “60% sản phẩm gia đình tôi sử dụng là hàng Việt Nam”

 

Những biến cố về hàng Trung Quốc gần đây đã khiến nhiều người lo ngại, nên tôi càng nghiêng về hàng Việt hơn. Ngay cả sữa, dù nhiều bà mẹ chuộng sữa ngoại, tôi vẫn dùng sữa Việt Nam. So với hàng Thái Lan, Nhật Bản thì hàng Việt rẻ hơn nhiều, vừa với túi tiền công chức. Nhưng không phải hàng gì tôi cũng mua, mà chỉ tin tưởng một số mặt hàng có thương hiệu, uy tín và mua sắm ở những cửa hàng, siêu thị lớn. Tôi không mua ở chợ vì không tin tưởng vào xuất xứ hàng hóa, bởi đôi khi người bán quảng cáo là “hàng Việt Nam” nhưng rất khó đoán định.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước cũng phải cải tiến mẫu mã, chất lượng và đáp ứng thường xuyên về các chế độ hậu mãi, khuyến mãi mới bảo đảm hiệu quả lâu dài, chứ không phải chỉ làm rầm rộ trong một đợt rồi thôi.

* Ông ĐINH CƯU, Phó Giám đốc Công ty CP Nhựa Đà Nẵng: “Hãy tạo ra văn hóa dùng hàng Việt”

 

 

Trước hết, việc sử dụng hàng Việt của tôi là do sản phẩm quyết định: giá cả, chất lượng và mẫu mã tốt, sau nữa, tôi luôn nghĩ đến cái gốc “người mình dùng hàng mình”. Tất nhiên, tất cả các ngành đều phải tham gia để cuộc vận động thực sự hiệu quả, nhưng tôi cho rằng giáo dục là biện pháp tốt nhất. Ngay từ bây giờ, các trường học phải đưa việc “dùng hàng Việt” vào chương trình học như một nội dung chính khóa.

Đây không chỉ là việc sử dụng hàng hóa, mà còn là ý thức về lòng tự hào dân tộc. Cuộc vận động này còn lâu dài, và chỉ khi toàn xã hội cùng chung tay, tạo ra được một truyền thống, hay văn hóa dùng hàng Việt như ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, thì mới gọi là thành công.

* Ông NGUYỄN VĂN TUẤN, Chủ tịch UBND phường Phước Ninh, quận Hải Châu: “Nhà sản xuất trong nước phải có cái tâm”

 

Tất cả mọi người phải đồng tâm, hiệp lực; doanh nghiệp phải thích ứng, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, và quan trọng hơn là có cái tâm để vực dậy hàng hóa và ngành sản xuất trong nước, cùng lúc phải quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm đều khắp, đừng để sản phẩm mai một. Về phía cơ quan quản lý, khi UBND thành phố và quận có văn bản chỉ đạo, chúng tôi sẽ lập tức triển khai các chương trình hành động khuyến khích, vận động nhân dân dùng hàng Việt tùy theo tình hình  thực tế của địa phương.
 
Từ trước tới nay, dù không có cuộc vận động này, cơ quan tôi vẫn chủ trương mua sắm các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, đỡ tốn kém, lại yên tâm về chất lượng.

HẰNG VANG (ghi)

;
.
.
.
.
.