.
Xả trộm nước thải tại KCN

Doanh nghiệp lợi, dân lãnh đủ

.

Tôm, cá chết hàng loạt, mùi hôi thối bốc lên hằng ngày, những bức xúc của người dân chưa được giải tỏa thì cho đến nay, nhiều DN trên địa bàn đã lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra bên ngoài.

Kẻ xả người hứng

Nước thải tại KCN DVTS Thọ Quang vẫn xả ra âu thuyền Thọ Quang.

Đã nhiều năm nay, các hộ dân sống tại khu dân cư Hồng Phước, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, phải hứng chịu mùi hôi do nước thải của các cơ sở sản xuất ở KCN Hòa Khánh. Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến con mương dẫn nước thải chảy ra loang lổ màu đỏ đục nhờ nhờ. Những mương nước hình xương cá đan xen trong khu dân cư này cũng trở nên ngột ngạt bởi màu sắc và mùi tanh nồng của tạp chất, lẫn xác cá chết do nguồn nước ô nhiễm gây nên.

Theo một số người dân sinh sống nơi đây, gần chục năm qua, họ phải “cắn răng” chịu đựng mùi nước xả như thế này. Nhất là vào những ngày nắng nóng, không khí bốc lên rất ngột ngạt, khó thở. Đã nhiều lần, bà con tổ dân phố bức xúc đưa kiến nghị lên các cấp, nhưng tình hình mới chỉ được giải quyết theo kiểu “giật gấu vá vai”.
 
Qua tìm hiểu, người dân ở đây được nhận tiền đền bù cá, tôm chết do nguồn nước ô nhiễm gây ra, nhưng theo bà con, nếu chỉ đền bù như vậy, họ sẽ không có kế sinh nhai về lâu dài. Cái chính là giải quyết nguyện vọng của bà con làm sao để cải thiện tình hình môi trường, bảo đảm sức khỏe về lâu dài cho người dân. Bởi vì hiện nay, khối phố Hồng Phước có gần 200 hộ dân sống xung quanh khu vực đầu nguồn cửa xả của mương nước thải KCN Hòa Khánh. Ngoài tình trạng ô nhiễm mùi hôi, người dân còn chịu cảnh ruồi nhặng bâu mất vệ sinh, có thể gây nguy cơ dịch bệnh.

Cũng tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, nhiều thửa ruộng của người dân bị bỏ hoang vì có canh tác cũng không cho năng suất cao. Ông Nguyễn Văn Hường, một nông dân tại thôn Trung Sơn dẫn chúng tôi ra đám ruộng, cho biết: Nước ở đây ô nhiễm, nông dân không trồng được lúa, kể cả hoa màu.

Vụ trước cả thôn mới sạ lúa xuống đồng thì bị nước thải ngấm, không thu hoạch được bao nhiêu... Theo Hội Nông dân xã, hiện có khoảng 80 hộ dân nơi đây sống bằng nghề làm nông, nhưng 10ha đất sản xuất nằm ngay chỗ trũng phải hứng chịu dòng nước thải này nên mất mùa, giảm năng suất đáng kể. Như trước đây, trung bình 1ha cho năng suất khoảng 60 tạ, thì nay còn dưới 40 tạ/ha.

Liên quan đến vấn đề xả nước thải, trong năm 2008, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã thanh tra đột xuất và phát hiện 6 cơ sở tại KCN Dịch vụ thủy sản (DVTS) Thọ Quang, quận Sơn Trà, không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng không vận hành. Đã có 6 cơ sở vi phạm bị buộc phải đóng cửa để cải tạo hệ thống xử lý nước thải.

Mặc dù 6 cơ sở này đã hoàn thành việc xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý, thực hiện vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải và được Sở đề xuất UBND thành phố cho phép hoạt động lại, tuy nhiên, theo phản ánh của BQL Cảng cá Thọ Quang, một số DN trong KCN này vẫn lén lút xả trộm nước thải ra âu thuyền Thọ Quang làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường nơi đây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do một số DN cố tình lén lút xả trộm nước thải không qua hệ thống xử lý nhằm giảm bớt chi phí xử lý nước thải gây ô nhiễm.

Khi nào DN hết xả? 

Người dân khóc ròng vì nguồn nước ô nhiễm.

 

Theo BQL các KCN và KCX Đà Nẵng, trong số 5 KCN trên địa bàn thì mới có KCN Đà Nẵng và KCN Hòa Khánh đã có nhà máy xử lý nước thải, còn các KCN Liên Chiểu,  Hòa Cầm và KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang hiện chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy KCN Hòa Khánh đã có hệ thống xử lý nước thải, nhưng vì nhiều lý do “tế nhị”, trong số hơn 200 DN tại đây, mới chỉ có 10% DN chấp hành đúng quy định đấu nối.

Theo Sở TN-MT, để giải quyết dứt điểm tình trạng các DN xả nước thải chưa qua xử lý tại các KCN, trước hết các KCN cần phải đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với KCN Hòa Khánh, thành phố đã chuyển giao trạm xử lý nước thải tập trung cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội

(URENCO) quản lý và vận hành sau nhiều năm hoạt động chưa hiệu quả.  Đồng thời, giao Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng làm việc với URENCO để hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải cho phần diện tích 150ha còn lại. Ngoài ra, yêu cầu các DN thực hiện việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm xử lý. Đối với KCN Hòa Cầm, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm đang làm thủ tục để đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho KCN; chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng đã có hồ sơ thiết kế xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho KCN Liên Chiểu.

Thành phố đã cho phép Công ty TNHH Khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường Quốc Việt được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo hình thức BOO tại KCN DVTS Thọ Quang, dự kiến đầu năm 2010 sẽ đưa hệ thống vào hoạt động chính thức.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.