.

Xử lý xe chở hàng chưa hợp lý

.

Ô-tô tải, xe container vận chuyển hàng hóa chủ yếu từ Đà Nẵng vào các tỉnh phía Nam đã bị ách lại và xử phạt nặng sau khi qua Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) khiến các DN vận tải lao đao… Họ đã kêu cứu lên Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng.

DN vận tải lao đao

Kiểm soát giao thông ở Trạm cân Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai.

Qua phản ánh của DN vận tải miền Trung, VCCI Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian 15 ngày cuối tháng 7-2009, các xe container của DN miền Trung và Đà Nẵng dù không vượt quá tải trọng theo quy định nhưng khi đi qua Trạm cân Dầu Giây liền bị Cảnh sát giao thông (CSGT) chặn lại với lý do vượt quá trọng tải cầu đường.

Ví dụ ngày 21-7-2009, ô-tô BKS 43K 6753 (Đà Nẵng) chở container đi qua Trạm cân Dầu Giây không vượt quá tải trọng, thế nhưng vừa qua khỏi trạm cân liền bị CSGT lập biên bản vì chở quá tải trọng cầu, đường QL1A tại Đồng Nai lên đến 16,6 tấn, có nghĩa là cầu, đường cho phép tổng tải trọng không quá 30 tấn mà xe chở lên tới 46,6 tấn, lái xe phải treo bằng 60 ngày.

Theo phản ánh của Phòng Vận tải, Sở GTVT Đà Nẵng, thời gian gần đây, CSGT Đồng Nai thông báo về Sở mỗi ngày có 15-20 xe tải của Đà Nẵng bị lập biên bản tại đây. Như vậy, chỉ tính riêng Đà Nẵng có tới hàng chục lái xe bị treo bằng mỗi ngày, cộng ở các tỉnh miền Trung, có lẽ con số này không nhỏ.

Cùng phản ánh đến VCCI tại Đà Nẵng, một DN vận tải cho biết: DN họ có 30 xe container nhưng chỉ 2 tháng, đã có hơn 20 lái xe bị treo bằng không được lái xe. Cứ tình trạng này, họ không kiếm đâu ra lái xe, còn xe nằm không, nguy cơ phá sản rất gần.

Mới đây, VCCI có buổi gặp mặt để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Tại đây, các DN vận tải thừa nhận CSGT phạt đúng nhưng không đủ sức thuyết phục, DN không “tâm phục khẩu phục”. Theo quy định, tất cả các xe chở quá tải, CSGT đều buộc và giám sát chủ xe hạ tải mới cho tiếp tục lưu thông. Thế nhưng theo các DN vận tải, tất cả biên bản vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông do CSGT Đồng Nai lập đều có ghi “yêu cầu lái xe hạ tải”, nhưng lập biên bản xong, CSGT vẫn cho các xe được đi bình thường, và như vậy, dù có phạt hết tất cả nhưng tai nạn giao thông vẫn vậy.

Vì vậy, các DN miền Trung đề nghị: CSGT Đồng Nai tạm thời dừng xử phạt quá tải cầu, đường để tạo điều kiện cho DN tiếp tục hoạt động. Đề nghị Khu Đường bộ 7 (Bộ GTVT) xem xét, đánh giá lại quy định tải trọng của cầu sau Trạm cân Dầu Giây, nếu có thể nâng mức tải trọng của cầu lên để các xe chở container được phép qua cầu. Nếu cầu thực sự chỉ chịu được tải trọng cho phép là 30 tấn thì đề nghị có hướng dẫn để xe đi đường khác.
 
Nếu không có đường khác phù hợp, đề nghị làm đường tạm kế bên cho các xe có tải trọng lớn đi qua. Về lâu dài, Cục Đường bộ Việt Nam nên xem xét, đánh giá toàn bộ hệ thống cầu trên quốc lộ 1A và có thông báo rộng rãi để tránh tình trạng lặp lại như tại Đồng Nai. Mặt khác, DN vận tải miền Trung cũng đề nghị thay đổi cách cân từ cân trục sang cân toàn bộ xe, trong trường hợp phát hiện quá tải thì mới cân trục để xử lý quá tải.

VCCI bảo vệ DN vận tải miền Trung

Trước tình hình hoạt động của DN vận tải đang bị ảnh hưởng, VCCI đã tham vấn pháp luật với các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật và đã có phản ứng tích cực để bảo vệ quyền lợi DN.

Công văn gửi đến các Bộ, ngành và địa phương có liên quan, VCCI Đà Nẵng nêu rõ: Từ ngày 23-7-2009, hàng loạt xe chở container của các DN vận tải trên địa bàn miền Trung chuyên chở hàng xuất khẩu vào thành phố Hồ Chí Minh khi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai sau khi qua Trạm cân Dầu Giây đã bị Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre (Công an tỉnh Đồng Nai) lập biên bản xử phạt với lỗi vi phạm là:

tổng trọng tải của xe vượt quá trọng tải cho phép của cầu (30 tấn). Đây là những xe vừa mới qua Trạm cân Dầu Giây và đã thực hiện đúng quy định về tải trọng, Quyết định này của CSGT Đồng Nai đã làm cho việc chuyên chở hàng hóa của các DN vận tải miền Trung bị ách tắc, chi phí vận chuyển tăng, thậm chí không thể chuyên chở hàng container từ miền Trung vào thành phố Hồ Chí Minh được.

VCCI Đà Nẵng đề nghị CSGT Đồng Nai hoãn việc xử phạt các xe do quá tải trọng 30 tấn vì thực tế CSGT Đồng Nai đã không thực hiện việc hạ tải xe khi bị phạt mà vẫn cho phép tiếp tục vận chuyển hàng hóa qua cầu. Như vậy, mục đích xử phạt để bảo vệ chất lượng cầu đường và an toàn giao thông vẫn không đạt được và các xe tải hiện vẫn qua cầu an toàn.

“Ở Trạm cân Dầu Giây, việc áp dụng hình thức cân trục mà không phải cân toàn bộ đối với hàng cont (container) làm DN vận tải gặp một số khó khăn sau: Do đặc thù của hàng cont, người chuyên chở chỉ nhận nguyên cont, nguyên seal, vì thế việc sắp xếp hàng hóa trong cont dẫn đến tải trọng trên từng trục không bằng nhau, người chuyên chở không thể biết được và đó không thể là lỗi của người chuyên chở. Do vậy, việc kiểm tra tải trọng của xe bằng cách cân từng trục là gây khó khăn cho DN vận tải.

Thông lệ quốc tế (cont vận tải đường biển) loại 40” được phép đóng hàng với  tải trọng 27 - 28 tấn, trong khi đó, tính theo trục của Trạm cân Dầu Giây thì tối đa chỉ được từ 25 - 26 tấn. Nếu là cont nhập khẩu từ nước ngoài về, các DN vận tải không thể chuyên chở được vì quá trọng tải khi qua trạm. Việc cân trọng tải xe theo phương pháp cân trục hiện nay mà không cân toàn bộ cả xe và hàng trước dẫn đến việc xác định trọng tải xe chưa chính xác với thực tế hàng chuyên chở, DN luôn bị phạt quá tải cho dù thực tế là không quá tải nếu cân toàn bộ xe.

Quy định về trọng tải cho phép khi qua cầu không đồng bộ với quy định của đường và các quy định khác. Trong khi vừa mới qua Trạm cân Dầu Giây bảo đảm tải trọng phù hợp với tải trọng thiết kế mặt đường, thì quy định của cầu là tổng trọng tải không vượt quá 30 tấn (chỉ riêng trọng lượng của xe và cont rỗng không chở hàng đã  20 tấn).
 
Với lỗi vi phạm này, DN phải chịu mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng và tước quyền lái xe 60 ngày đối với mỗi trường hợp vi phạm. Điều này đã gây bức xúc cho DN vì bị thiệt hại rất lớn và thậm chí có thể dẫn đến phá sản do tài xế không chịu chạy”.

(Nguồn VCCI Đà Nẵng)


Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.