.

Đi chợ hàng Việt

.

Buổi chiều đầu tiên diễn ra Phiên chợ hàng Việt, nhiều công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh và người dân Liên Chiểu - Hòa Vang không hề biết. Chỉ sau khi những sắc màu của áp phích, tờ rơi lẫn âm thanh rộn rã từ các gian hàng phát lên mới thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan và mua sắm.

Hàng Việt chất lượng cần có mặt thường xuyên hơn với bà con vùng xa.

Trong màu áo đồng phục của Công ty Điện tử Việt Hoa, chị Hoàng Thị Linh len lỏi vào gian hàng của Siêu thị BigC. Dường như trong khoảng thời gian ít ỏi cuối ngày, chị Linh tranh thủ ghé vào hội chợ theo sự tò mò của mấy công nhân, cũng vừa để mua sắm những thứ cần thiết cho gia đình nhỏ của mình. “Chị có hay đi hội chợ như thế này?”.

“Ở đây làm gì có hội chợ mà đi, hồi trước hội chợ còn tổ chức chỗ Công viên 29-3, buổi tối mấy chị em tranh thủ rủ nhau đi xem chứ sau này thì hết luôn”. “Chị thấy mấy mặt hàng này giá như thế nào?”. “Ừ, cũng vừa phải, không đắt, công nhân có thể mua được”. Xen lẫn dòng người hồ hởi đi hội chợ, chúng tôi còn gặp rất nhiều chị em làm việc trong các Công ty Deahan, Keyhing Toys, Matrix, Cosevco, Mabuchi... Hơn 200 ngàn dân Hòa Vang, Liên Chiểu và 20 ngàn công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh được đánh giá là một thị trường tiềm năng đối với đợt ra quân đầu tiên của các DN hàng Việt. 

Không chỉ “áp đảo” bởi số lượng lớn công nhân có mặt tại đây, nhiều nông dân, người buôn bán nhỏ tại các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Ninh cũng đổ về Phiên chợ hàng Việt tìm mua cho mình những đồ dùng cần thiết. Dì Hoa, một người bán tạp hóa ở chợ Hòa Ninh nói rằng: “Chúng tôi sống ở xa nên không có điều kiện xuống thành phố mua hàng, nghe nói hội chợ này giảm giá tới 30 - 40% nên cũng ráng thu xếp công việc để đi coi thử như thế nào?”.

Chuyện coi thử hàng hóa của người dân vùng ven đã trở thành cơ sở để các DN đánh giá nhu cầu và sức mua của người dân. Chị Phạm Thị Gái, công nhân Công ty Daiwa cho biết: “Hàng Việt Nam phù hợp với vóc dáng và túi tiền của chúng tôi, nhất là đồng lương công nhân”. Bên dãy quần áo của Công ty Vinatex với hàng chục mẫu, chị nói: “Nhưng ngoài yếu tố bền, giá rẻ, còn phải theo mốt nữa thì chị em chúng tôi mới chọn”.

Theo chị Gái, hàng Việt Nam có thực sự tốt hay không còn phải dùng thử mới biết. Lâu nay, chị cũng như nhiều công nhân khác không cần quan tâm nhiều đến hai chữ “thương hiệu”. Có thể tháng này dùng nhãn hàng này, nhưng sang tháng sau thì quên ngay nếu sản phẩm đó không để lại dấu ấn gì (như dùng lâu, đẹp, có người khen…).

Tuy nhiên, Phiên chợ hàng Việt tại khu Thanh Vinh, Hòa Khánh Bắc đã mang lại nhiều ý nghĩa cho người dân ngoại thành. Một số người dân khi được hỏi đã bộc bạch: Nếu có thể, cứ 2-3 tháng, phiên chợ tổ chức một lần vào những ngày nhất định (ví dụ như ngày lĩnh lương của công nhân), họ sẽ có sẵn tiền để mua sắm. Bà Đoàn Thị Hồng, trú tổ 1, thôn Quan Nam 5, xã Hòa Liên còn cho rằng, để người dân quen dùng các sản phẩm có tên tuổi, nhãn mác rõ ràng của DN trong nước, nhà sản xuất - phân phối nên mở rộng các đại lý về tận các vùng nông thôn với giá bán phải rẻ, phù hợp với túi tiền của người nông dân.

Bán hàng đến tận tay người tiêu dùng là cách để DN tiếp thị hàng Việt.

 

Khảo sát trên nhiều mặt hàng tham gia phiên chợ, chúng tôi nhận thấy, nhiều sản phẩm đã quen thuộc của người dân nội đô khó tính như giày dép BQ, hàng may mặc Hòa Thọ, Vinatex, lót giày Hương Quế, hóa mỹ phẩm, thực phẩm… Những sản phẩm phần lớn là xuất khẩu, nhưng giá cả tại hội chợ rẻ hẳn một nửa so với ở thành phố.

Không chỉ nhằm mục đích đi xem hàng hóa, nhiều người già, trẻ em tìm tới đây để coi văn nghệ. Vào mỗi buổi tối, các chương trình văn hóa, văn nghệ được dàn dựng để phục vụ khách tham quan mua sắm và người dân khu vực. Không phải mua vé vào cổng, được tận tay lựa chọn mẫu mã, hàng hóa tương đối đa dạng, chất lượng không hề thua kém và đặc biệt là giảm giá hấp dẫn kèm quà tặng… là “thỏi nam châm” để đông đảo người dân cùng hăm hở đến hội chợ, vừa để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, vừa tham gia vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc.

Sau 3 ngày mở cửa, đa số các gian hàng của 15 DN đã trống trơn vì hàng hóa đã tiêu thụ hết. Đây chính là tín hiệu đáng mừng và là cơ hội để các DN trong nước, đặc biệt là DN Đà Nẵng, có dịp nhìn nhận lại thị trường vốn bỏ ngỏ trong thời gian qua. 
     
Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.