.
ĐOÀN GIÁM SÁT THƯỜNG TRỰC HĐND THÀNH PHỐ LÀM VIỆC VỚI SỞ XÂY DỰNG

Đầu tư, đổi mới công tác quản lý giảm thất thoát nước máy

Sáng ngày 3-9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố do đồng chí Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Sở Xây dựng về tình hình thất thoát nước sạch của Công ty Cấp nước thuộc Sở Xây dựng.

Theo báo cáo của Công ty Cấp nước, tỷ lệ thất thoát nước máy qua các năm 2006, 2007, 2008 và 8 tháng đầu năm 2009 là 40,24%; 38,86%; 35,53%; 33,46%. Tuy nhiên, Đoàn giám sát có con số tỷ lệ thất thoát nước máy do ngành Thuế tính (trong 8 tháng năm 2009) là 35,5% (Tỷ lệ cho phép theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 95/2009/TTLT-BTC-BXD-BNN ngày 19-5-2009 là 33%). Theo con số của Công ty Cấp nước thì bình quân mỗi ngày có trên 43.000m³ nước máy bị thất thoát.

Ở hai quận Hải Châu và Thanh Khê có tỷ lệ thất thoát nước máy cao, trên 40%. Tỷ lệ thất thoát tại khu dân cư là 15%, ở khu chung cư hệ thống đường ống và quản lý tốt hơn nhưng thất thoát đến 32%. Nguyên nhân thất thoát do rò rỉ cơ học chiếm tới 90%, còn lại là do đồng hồ nước không chính xác chiếm 5% và do không thu được tiền nước chiếm 5%.

Nguyên nhân do yếu tố kỹ thuật là chất lượng đường ống kém, đường ống cũ lắp đặt lâu năm nên dễ bị rò rỉ, đồng hồ lắp đặt trước đây nhiều chủng loại, không chính xác; do quản lý chất lượng thiết kế chưa cao, không lường trước được các hệ thống hạ tầng khác. Ngoài ra, còn nguyên nhân khách quan là một số hộ dân ở khu dân cư mới đấu nối đường ống và sử dụng nước trái phép. Một số cá nhân, đơn vị thi công làm xì vỡ đường ống ngại phải đền bù nên không thông báo để xử lý...

Trả lời chất vấn của các thành viên Đoàn giám sát, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, lý do chậm triển khai dự án giảm thất thoát nước một phần vì lý do khách quan là phía Chính phủ Hà Lan có sự thay đổi nên phải chờ. Công ty Cấp nước đầu tư vào các khu dân cư mới nhưng không thể tính vào giá thành cung cấp nước máy vì hoạt động công ty mang tính chất công ích là chính, muốn tăng giá nước phải được phép của HĐND thành phố.
 
Do đó, thất thoát nước ở khu dân cư cũ là gánh nặng. Sở đề xuất thành phố chi hằng năm từ 5-7 tỷ đồng để cải tạo hệ thống đường ống cũ. Cả ba ngành: Xây dựng, Kế hoạch&Đầu tư và Cục Thuế cần thống nhất đánh giá và đưa ra một tỷ lệ thất thoát nước chính xác. Ông Tuấn thừa nhận thất thoát nước có phần do công tác điều hành quản lý của Công ty Cấp nước chưa hợp lý. Trong năm 2009, Công ty Cấp nước sẽ chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên.

Đây cũng là một giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hoạt động của công ty. Khi thực hiện dự án giảm thất thoát nước do Hà Lan tài trợ 50% kinh phí sẽ có phần đầu tư cho tăng cường thể chế, nhằm quy định rõ trách nhiệm quản lý, vận hành trong các bộ phận của công ty. Công ty sẽ lắp đặt đồng hồ tổng tách vùng và trưởng chi nhánh mỗi vùng sẽ chịu trách nhiệm quản lý thất thoát nước. Về quy hoạch tổng thể cấp nước của thành phố, Sở đã thực hiện nhưng do có sự thay đổi trong quy hoạch tổng thể của thành phố, nên Sở phải tiếp tục hoàn thiện quy hoạch hệ thống cấp thoát nước.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Nghĩa tiếp thu phản ánh của Sở Xây dựng và Công ty Cấp nước về hệ thống mạng lưới đường ống cũ đã xuống cấp cần đầu tư cải tạo. Tuy nhiên, giải pháp khắc phục đưa ra chưa cụ thể lắm. Sở phải giải trình cụ thể đề xuất khoản chi mỗi năm 5-7 tỷ đồng để cải tạo mạng lưới đường ống cũ để Đoàn giám sát báo cáo với Chủ tịch HĐND thành phố. Đồng chí Huỳnh Nghĩa yêu cầu Sở Xây dựng phải xúc tiến nhanh hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước của thành phố và báo cáo sớm cho UBND thành phố.

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.